Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Đến Mê Linh vào mùa này, điều ấn tượng nhất đối với du khách là những vườn hồng ngập tràn hương sắc đủ loại, từ những cây hồng đỏ Pháp truyền thống, đến những cây hồng cổ có tuổi đời từ hàng chục đến hàng trăm năm.
Bước vào nhà vườn của anh Phạm Đức Tài - Chi hội trưởng Hội hoa hồng Mê Linh, tôi bị ngợp bởi vẻ đẹp lộng lẫy của những chậu hồng bonsai chi chít hoa hoa đỏ, hoa vàng, những chậu dạ thảo tim tím, pha lẫn trắng, hồng. Anh Tài vẫn đang bận rộn với công việc chăm sóc hoa từ 6 h sáng:
PV: Việc chăm sóc cho hoa hồng có khó khăn hơn nhiều so với hoa khác không anh?
Phạm Đức Tài: Hoa hồng là thân gỗ nên việc chăm sóc đơn giản, nhàn hơn đào với quất
PV: Theo quan sát, vườn hồng của anh có rất nhiều cây to và lâu năm. Anh có thể chia sẻ một chút về cây hồng của nhà mình?
Anh Phạm Đức Tài: Nhà có đầy đủ các loại, già rồi trẻ. Nhà mình có những cây hồng hàng trăm năm tuổi. Bộ gốc này rất to, hiện đang bị vùi vì trồng nắng vừa rồi, mình phải ấp nó vào xong tới đây mình mới xói nó ra. Gốc này phải đến 100 năm. Gốc này mình thu gom của bà con rồi mình tạo cây tạo dáng
PV: Việc tạo dáng cho cây hoa hồng này được thực hiện như thế nào, có khó khăn không?
Anh Phạm Đức Tài: Bước đầu thì cũng khó mình phải ghép mắt. Cây hồng này trước đây chỉ ra hoa một lần. Nhưng mình mượn nó để cho ra hoa suốt năm ngày tháng
PV: Mỗi khi hết hoa, mình phải làm thế nào để cho ra hoa tiếp theo?
Anh Phạm Đức Tài: Mình phải bấm, tỉa hết những bông hoa cũ, từ cổ bông hoa đó bấm xuống 2-3 lá thì cho nảy lên sẽ đẹp. Nếu bấm ngắn quá hoa sẽ xấu.
PV: Trong vườn nhà anh có rất nhiều gốc hồng lâu năm, lí do nào khiến anh đã tìm ra hướng phát triển riêng cho gia đình mình?
Anh Phạm Đức Tài: Lúc bấy giờ cũng xem báo chí, bên Nhật làm được sản phẩm rất đẹp, thì mới nghĩ quên hương mình cũng có sản phẩm mà tại sao không làm được. Cũng mày mò, cũng làm.
Qua quá trình hỏng đi hỏng lại nhiều lần, nhưng cũng đúc kết kinh nghiệm. và đến bây giờ gia đình cũng thành công.
Gắn bó với nghề trồng hoa truyền thống của gia đình từ những năm 1978, đến nay đã hơn 40 năm, anh Tài vẫn ệt mài tự mày mò, học hỏi để tạo ra những chậu hồng bonsai độc đáo. Anh Tài chia sẻ, trồng hoa nói chung và trồng hồng nói riêng cần phải chăm đều tay, giữ độ ẩm vừa phải cho đất.
Nếu tưới nhiều nước, cây dễ bị hỏng rễ, ra hoa không đẹp, nếu để khô quá sẽ bị kiệt sức, sinh ra vàng lá, rụng đi. Chăm sóc hồng bonsai phải có chế độ riêng do gốc già, tuổi đời nhiều năm, cây dễ bị sâu bệnh.
Trước đây, người dân làng hoa Mê Linh thường trồng hoa hồng, cắt cành để đem đi bán. Tuy nhiên từ năm 2013 trở lại đây, số lượng hộ gia đình trồng hoa truyền thống giảm mạnh và có tới 40% dân số chuyển đổi sang trồng hoa hồng bon sai, hồng chậu uốn thế.
Hoa Hồng ở Mê Linh dễ đến hàng trăm loại. Mỗi năm, lại có thêm những giống hồng mới được người dân lai tạo từ các giống hồng ngoại như hồng Lafont, hồng trứng, hồng xanh, hồng thân tre.
Theo một số khách hàng, một trong những điểm hấp dẫn du khách thập phương đến với làng hoa Mê Linh không phải chỉ để ngắm nhìn hoa, mà họ còn có thể học hỏi, trao đổi với những chủ vườn về kỹ thuật, chăm sóc hoa :
"Hoa Mê Linh khá đẹp, các nhà vườn rất chuyên nghiệp, hoa ở đây chăm sóc rất tỉ mỉ. Tây Tựu họ chỉ có tập trung làm 1 số loài hoa như hoa cúc, hoa hồng, còn ở đây làm rất nhiều loại hoa và rất nhiều cây cảnh, những cây mang tính chất nghệ thuật".
"Ngoài đường mình cảm thấy bình thường nhưng đi vào trong này thấy hoa rất đồ sộ và rất là đẹp. Mình rất là mê. Vườn này mình rất hay vào, mình cũng vừa mua thêm cây nhỏ đây, rất là đẹp".
Dành một tình yêu mãnh liệt đối với những với hoa hồng nên chị Đặng Thị Ngọc Hằng đã từ bỏ nghề giáo viên mầm non để trồng hồng từ 15 năm nay. Không những thế, chị còn thường xuyên tìm kiếm thông tin và lặn lội tìm mua những giống hồng lạ được “xách tay” từ nước ngoài về.
Bị gai hồng đâm nhiều, hoa rất dễ bị nhiễm nấm, sâu bệnh, nhưng đối với chị Hằng, tất cả những khó khăn đó sẽ chẳng đáng là bao, khi nhìn thấy những bông hồng hé nụ, được hít hà, đắm chìm trong hương thơm quyến rũ của vườn hồng:
"Giống mà em thích nhất đó là hàng lafont, rất là dễ chăm. Đây chị ơi, rất là đẹp luôn! Rất là thơm luôn! Em người làm hoa mà lúc lúc nào cũng phải cài bông vào tai để em ngửi luôn".
PV: Lafont này là hàng nhập từ đâu?
Chị Đặng Thị Ngọc Hằng: Em mua giống, bọn em vẫn mua từ các nhà phân phối.
Hàng này nhập từ Pháp, nó có xếp cánh khoảng 60-70 cánh. Rất là dày dặn, thơm lắm, chị ngửi thử mà xem. Thơm lắm như mùi kẹo
PV: Hiện nay trong vườn nhà chị thì có khoảng bao nhiêu loại hoa hồng?
Chị Đặng Thị Ngọc Hằng: Nếu tính sơ qua thì nhà em cũng ít lắm chỉ có khoảng trăm hoặc hơn trăm loại thôi.
PV: Đến bây giờ thì sau một thời gian mà vẫn theo đuổi nghề trồng hồng truyền thống, chị có bao giờ tiếc nuối khi mình đã bỏ nghề giáo viên?
Chị Đặng Thị Ngọc Hằng: Dạ em không. Bởi vì thật sự là khi bắt tay vào cái hoa hồng. Nó thành cái đam mê! Cũng như em học giáo viên, vì em yêu trẻ con đến với nghề giáo viên mầm non, cũng như bây giờ, em yêu hồng, em đến với nghề trồng hồng.
Đến với nghề hồng, em ngày càng cuốn.
Em cuốn một cách đam mê đêm ngày. Ngày ngày em đều tìm tòi những loại hoa mới, có khi đến tận 12h đêm mới đi ngủ, 5 giờ sáng hôm sau lại dậy đi bán hàng, đi đóng hàng đi đánh cây mà không biết mệt..
Chính bởi sự đam mê với hương sắc của mỗi bông hồng, mong muốn được lan tỏa tình yêu đó đến với mọi người mà những người nông dân ở làng Mê Linh hàng tháng, hàng năm đều có những buổi chia sẻ kinh nghiệm trồng và chăm sóc hoa hồng.
Đa phần, người trồng hoa Mê Linh sử dụng phương pháp ghép mắt để nhân giống nên quá trình nhân giống rất nhanh.
Chỉ cần mua 1-2 cây hoa giống là có thể nhân thành 5-6 cây cùng một lúc. Cũng bởi vậy, mà mỗi năm các nhà vườn có thêm hàng chục loại giống hoa mới.
Sau quá trình trồng thử, chắt lọc cho phù hợp với điều kiện đất, môi trường của Việt Nam, loại hoa nào có bông đẹp, được thị trường ưa thích sẽ được người dân tiếp tục trồng.
Cũng bởi vậy mà không chỉ người dân thủ đô mà ngày càng nhiều những người yêu hoa trên cả nước biết đến và mua hoa từ Mê Linh, lượng hoa xuất đi các địa phương ngày càng lớn.
Khoảng đất trống phía bên trái cổng làng được sử dụng làm nơi tập kết hoa và là bãi đỗ của các xe đông lạnh, xe ô tô khách đến lấy hoa hàng ngày.
Khu vực này lúc nào cũng nhộn nhịp, tấp nập, một vài phụ nữ cẩn thận bọc ni-long, giấy bạc vào từng cây hoa, người thì tưới nước, các chủ buôn tất bật nhập -xuất hoa cho các chủ hàng.
Vừa kiểm đếm số lượng chậu hoa hồng vừa nhận, anh Hùng - một chủ buôn hoa vừa nói: "Em đi các vườn, nhặt hoa theo khách yêu cầu. Em nhập ở đây, xe đến bắt đầu em gửi đi. Bình quân một ngày em bán khoảng 200-300. Ngày nhiều lên đến hàng nghìn cây.
Dòng siêu nụ tỉ muội, giá bình dân phù hợp với người tiêu dùng và hoa rất sai hoa, nhiều hoa nên người ta lựa chọn thu mua nhiều nhất. Em bó bọc cẩn thận và xếp lên xe xếp gọn vào cho khách nên tỷ lệ gẫy dập không có đâu".
Từ ngày 15 Tháng Chạp trở ra, người dân thủ đô và các địa phương khác nô nức về làng hoa Mê Linh để tham quam, chụp hình và chọn hoa để trưng cho ngày Tết. Thời điểm này, những vườn hồng bắt đầu nở rộ, khoe sắc trong tiết trời mùa xuân.
Trên gương mặt của những người nông dân ánh lên sự hân hoan, hạnh phúc khi nhìn thấy những thành quả sau một năm lao động vất vả đang cận kề, khi những chậu hoa của làng hoa Mê Linh được mang đi khắp mọi nơi, góp phần tô điểm, làm đẹp cho căn nhà của mỗi gia đình, mỗi góc phố.
Nếu có dịp đến Mê Linh, hãy dành thời gian thăm Khu di tích Đền thờ Hai Bà Trưng nằm ở cuối thôn Hạ Lôi. Nơi đây thờ hai bà Trưng Trắc - Trưng Nhị - Người đã có công lớn trong cuộc khởi nghĩa giành độc lập dân tộc, thoát khỏi sự đô hộ của nhà Đông Hán.
Hàng năm, Lễ hội Đền thờ Hai Bà trưng được tổ chức từ ngày mồng 4 đến ngày mồng 10 tháng Giêng âm lịch, nhưng thời điểm chính hội nên đi vào ngày mồng Sáu tháng Giêng:
“Có về thăm hội Hạ Lôi
Tháng Giêng mồng sáu cho tôi đi cùng”
Có thể những làng hoa truyền thống xưa của Hà Nội không còn nhiều như trước nữa, nhưng thói quen thưởng hoa, chơi hoa sẽ vẫn là một nét đẹp văn hóa của người dân Hà Thành.
Vì thế, dù quá trình đô thị hóa có làm thu hẹp diện tích trồng hoa ở một số làng nghề, nhưng ở đâu đó, sẽ vẫn có những người như anh Hùng, anh Tài, chị Hằng ngày đêm cặm cụi chăm sóc những vườn hoa, giữ gìn nghề trồng hoa truyền thống.
Những người phụ nữ tần tảo như chị Luyến sẽ vẫn ngày ngày rong ruổi chở hoa từ làng ra phố.
Những gánh hàng hoa làm dịu mát sự xô bồ vốn có của phố thị, làm thư thái những tâm hồn đầy gánh nặng lo âu, kéo lòng người về ền ký ức xa xôi đầy kỉ niệm, ở đó có những cô, những chị chít khăn mỏ quạ, tươi cười bán hoa ở dãy ki ốt nằm sát hồ Gươm thủa nào.
Và những gánh hàng hoa là điểm nhấn không thể thiếu của diện mạo đô thị Hà Nội và cũng là một nét đẹp văn hóa rất riêng của thủ đô…