Nhọc nhằn nghề làm muối tại Cần Giờ

VOVGT - Những năm gần đây, nghề làm muối tại Cần Giờ trở nên điêu đứng vì thất thu, lỗ nặng, khiến cho cuộc sống người dân ngày càng khó khăn hơn.

Ông Nguyễn Văn Lai (68 tuổi, quê ở Bến tre) đang chạy nước đổ vào cánh đồng muối.

Hai bên đường từ ngã ba Long Hòa vào thị trấn Cần Thạnh (huyện Cần Giờ, Tp.HCM) là những cánh đồng muối bỏ hoang, những đống muối trắng nằm trơ trọi, đan xen với những công cụ làm muối cũng bỏ hoang, không một bóng người. Nhiều tháng nay, muối không ổn định, mất giá nhiều hơn. Những diêm dân phải cắn răng chịu đựng việc cào muối rồi chất thành đống phơi nắng, che bạt tránh mưa, chứ không một thương lái nào mua cả.

Hằng ngày, giữa trời nắng gắt, ông Nguyễn Văn Lai đều ra đồng để làm muối

Từ đầu năm 2016, giá muối trung bình từ 60.000 đồng/tạ, nay xuống chỉ còn 20.000/tạ. Tính ra mỗi năm, những người dân làm muối tại Cần Giờ lỗ cả trăm triệu đồng. Nhiều hộ có vốn nhưng đầu tư vào làm muối trong những năm gần đây cũng phải “bó tay”, bỏ hoang cả gần trăm héc-ta đất vì không thu được lợi nhuận.UBND huyện Cần Giờ đã lên chính sách hỗ trợ những hộ dân thất thu, mỗi hộ dân 20 triệu đồng.

Bà Võ Thị Lũy (69 tuổi, quê ở Bến Tre), cho biết: “Hai vợ chồng tôi, từ Bến Tre lên đây cũng đã 17 năm, bắt đầu làm muối cũng từ năm đó, nhiều khi lỗ cũng phải ráng trụ lại mà làm, chứ bây giờ chẳng biết đi về đâu. Chúng tôi cố gắng làm ngày qua ngày vậy đó, để mong những ngày tháng tới, muối không còn mất giá, người dân chúng tôi không bị thất thu như thế này nữa.”

Theo UBND huyện Cần Giờ, hiện nay giá muối tiêu thụ thấp có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống và sản xuất của người dân. Nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn, trước mắt UBND huyện sẽ tập trung các giải pháp như phối hợp với Hội Nông dân TP, Sở NN&PTNT cùng các sở, ban ngành có liên quan bàn kế hoạch tìm kiếm thị trường tiêu thụ muối cho diêm dân, kết nối doanh nghiệp với diêm dân.

Những rổ muối như thế này, đều là cả công sức nhọc nhằn của hai vợ chồng ông bà Lai - Lũy

Khi giá muối rớt thảm như vậy, những người dân phải tìm đến thương lái, nhưng nhiều thương lái từ chối mua hoặc bị ép giá, khiến cho cuộc sống của những hộ dân làm muối ngày càng khốn đốn. Về lâu dài, địa phương sẽ đầu tư phát triển các cơ sở chế biến các sản phẩm muối nhằm nâng cao giá trị và tiêu thụ sản phẩm muối tại chỗ cho người dân cùng nhiều giải pháp khác.

Những cánh đồng muối bỏ hoang, không một bóng người