Nhìn lại một năm triển khai Thông tư 22 về đánh giá học sinh tiểu học

VOVGT - Đại diện Bộ GD-DT cho rẳng Thông tư này không chỉ giảm gánh nặng cho giáo viên tiểu học, mà còn giúp phụ huynh nhận biết rõ năng lực của con em mình.

Nghe nội dung chi tiết tại đây: 

 

Thông tư 22 về đánh giá học sinh tiểu học đã chính thức có hiệu lực từ ngày 6/11/2016, để thay thế Thông tư 30 trước đó. Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, khi ghi nhận những ý kiến của giáo viên về Thông tư 30, hầu hết chung “bức xúc” về vấn đề sổ sách quá nhiều, vừa vất vả, vừa ảnh hưởng đến thời gian giảng dạy cho học sinh.

Theo quy định trong Thông tư 22, sổ theo dõi chất lượng giáo dục sẽ được thay bằng bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục, đồng thời không quy định cứng nhắc bất kì loại sổ nào sử dụng trong quá trình đánh giá học sinh. Giáo viên được trao quyền tự chủ theo dõi sự tiến bộ của học sinh, ghi chép những lưu ý với học sinh có nội dung chưa hoàn thành hoặc có khả năng vượt trội nhằm tự mình nắm bắt thông tin và sử dụng khi cần.

Thay đổi căn bản này sẽ giúp cho giáo viên thuận lợi hơn khi thực hiện đánh giá học sinh, có nhiều thời gian hơn để quan tâm đến việc hỗ trợ học sinh trong quá trình dạy học. Ngoài ra, vấn đề giáo viên “kêu ca” nhiều nhất khi thực hiện Thông tư 30 là việc đánh giá học sinh.

Có 2 mức để đánh giá học sinh: hoàn thành và chưa hoàn thành. Cách đánh giá như thế nặng về định tính, không khơi dậy được tinh thần phấn đấu và nỗ lực của học sinh. Thông tư 22 sẽ khắc phục bằng 3 mức đánh giá: Hoàn thành tốt, hoàn thành và chưa hoàn thành. Xét về mặt tâm lý tiếp nhận, 3 mức này nhìn nhận rõ ràng hơn kết quả phấn đấu của học sinh, phụ huynh sẽ nắm bắt rõ hơn mức độ đạt được của con mình.

Thông tư 22 của Bộ Giáo dục-Đào tạo được giáo viên và phụ huynh học sinh đánh giá cao.

Có thể thấy, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 22 đã nhận được nhiều ý kiến đồng thuận của giáo viên. Lý do là các quy định trong Thông tư 22 rõ ràng và kỹ lưỡng hơn Thông tư 30 như sổ theo dõi chất lượng giáo dục sẽ được thay bằng bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục, đồng thời không quy định cứng nhắc bất kì loại sổ nào sử dụng trong quá trình đánh giá học sinh.

Thông tư 22 quy định khen thưởng những học sinh hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập, rèn luyện và những học sinh có thành tích vượt trội hay tiến bộ vượt bậc về từng nội dung đánh giá.... Ông Đặng Quang Ngàn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình cho biết: Những thay đổi căn bản này đã khắc phục giảm được thời gian cho giáo viên phải ghi nhận xét đánh giá học sinh, nhất là những giáo viên các môn chuyên như mỹ thuật, âm nhạc, thể dục... như trước kia. Giáo viên sẽ có nhiều thời gian hơn để quan tâm đến việc hỗ trợ học sinh trong quá trình dạy học.

Nghe ý kiến của ông Đặng Quang Ngàn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình:

 

Thông tư này cụ thể hơn và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho giáo viên đánh giá. Thông tư 30 do cách diễn đạt các thầy cô giáo tại các cơ sở vận dụng một cách cứng nhắc thì Thông tư 22 lần này sửa đổi làm rõ tất cả các mục tiêu cần đạt được khi đánh giá học sinh. Bây giờ xu hướng chung của thế giới đang làm để mang lại một nền giáo dục hết sức cởi mở và để cho học sinh đến trường vui vẻ và các thầy cô giáo không bị áp lực nặng nề về việc đánh giá.

Phần lớn giáo viên khi được hỏi về thông tư 22 cũng đều cho biết khá hài lòng và phấn khởi với cách đánh giá học sinh tiểu học mới, vì thực hiện đơn giản, giảm tải được khối lượng sổ sách. Bà Ngô Thiện Tâm, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Lý Nhân Tông, Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh nhất trí cách đánh giá năng lực, phẩm chất học sinh theo ba mức: Tốt, Đạt và Cần cố gắng thay cho hai mức quy định trong Thông tư 30 là Đạt và Chưa đạt. Việc lượng hóa thành 3 mức như vậy sẽ giúp giáo viên, cán bộ quản lý, cha mẹ học sinh xác định được mức độ hình thành, phát triển từng năng lực, từng phẩm chất sau một giai đoạn rèn luyện, phấn đấu của học sinh. Từ đó giáo viên, nhà trường, cha mẹ học sinh có những biện pháp kịp thời giúp đỡ học sinh phát huy những điểm tích cực, khắc phục những hạn chế để ngày một tiến bộ hơn.

Bà Ngô Thiện Tâm nói:

 

Giáo viên rất mừng vì áp lực hồ sơ sổ sách giảm xuống. Mức đánh giá năng lực của thông tư 22 có 3 mức thì hợp lý hơn là 2 mức, sẽ khó phân biệt học sinh. Phần khen thưởng cũng vậy, thông tư mới đưa vào những tiêu chí rõ ràng hơn, xứng đáng hơn.

Nhiều giáo viên cũng đồng tình với điểm mới của thông tư 22 đó là có thêm bài kiểm tra định kì giữa học kì đối với môn Tiếng Việt và môn Toán ở lớp 4, lớp 5. Bởi đây là hai môn học công cụ, chiếm nhiều thời lượng hơn so với các môn học khác. Ngoài ra, việc này cũng tạo điều kiện cho học sinh quen dần với cách kiểm tra, đánh giá ở cấp trung học cơ sở và các cấp học cao hơn.

Để thực hiện đánh giá học sinh theo thông tư 22, nhiều trường cũng tổ chức họp giáo viên để thảo luận để lấy ý kiến về cách thực hiện thông tư này. Tuy nhiên, bên cạnh những ý kiến đồng tình, không ít ý kiến cho rằng, nên giữ lại cách đánh giá bằng điểm số. Một phụ huynh tại quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh nói chia sẻ về quan điểm này như sau:

 

Giáo viên có tâm lý thoải mái nhưng dù sao thì người ta vẫn thích nhập điểm hơn. Phụ huynh học sinh vẫn thích nhìn điểm số hơn là những câu nhận xét. Bởi những câu nhận xét nhiều khi học sinh lớp 1 không biết. So ra với thông tư 30 thì cách đánh giá học sinh nó nhẹ hơn, nhưng tâm lý vẫn thích điểm số hơn, từ đó người ta mới biết cần rèn thêm ra sao, chứ lời nhận xét thì chung chung mà không rõ ràng.

Có thể thấy, mặc dù Thông tư 22 dù mới được triển khai trong 2 năm nhưng hầu hết các giáo viên tỏ ra phấn khởi vì thuận lợi hơn trong giảng dạy. Hy vọng, với sự phản hồi tích cực từ phía cán bộ quản lý, giáo viên và sự hướng dẫn tích cực của ngành GD&ĐT cùng các đơn vị, Thông tư 22 thực sự mang lại diện mạo mới cho giáo dục tiểu học, góp phần tăng niềm tin của xã hội vào những chủ trương đổi mới của ngành Giáo dục.