Nhìn lại, để định vị cho hành trình mới: Chấm dứt việc đi lại giữa các địa phương như... chơi xổ số

Nếu được lựa chọn một sự kiện quan trọng bậc nhất trong năm 2021, hẳn nhiều người sẽ nghĩ đến sự ra đời của Nghị quyết 128 của Chính phủ.

Đây là văn bản đánh dấu cột mốc chuyển đổi tư duy chống dịch sang thích ứng linh hoạt, góp phần chấm dứt tình trạng mỗi địa phương một điều kiện ra vào, nối lại mạch máu lưu thông trên cả nước vốn đã có những lúc bị nghẽn bởi các biện pháp chống dịch khác nhau.

Trước thời điểm tháng 10/2021, việc đi lại giữa các địa phương được nhiều tài xế nói vui như… chơi xổ số.

Có xe đi qua địa phương này thì được nhưng đến địa phương khác lại không. Hôm nay qua chốt, cần giấy xét nghiệm âm tính, hôm sau vẫn chốt đó, cần thêm chứng nhận tiêm 2 mũi vắc xin hoặc bị buộc quay đầu.

Một số gia đình đã bị ly tán do mắc kẹt giữa các tỉnh, nhiều tài xế có thẻ “luồng xanh” nhưng bị gây khó dễ ở các chốt nội tỉnh.

“Em đi xuống Hải Phòng, em đăng ký luồng vào khu công nghiệp VSIP, nhưng khi có hàng chiều về ở một điểm khác mà đi theo luồng đấy thì lại thành đi sai”

“Giai đoạn lập chốt những ngày vừa qua, mình thấy trong các group cộng đồng cứ vài chục phút lại có người vào hỏi xem đi đường cần gì, hôm nay mọi người đi thế nào".

Cách mỗi nơi, mỗi chốt hiểu và vận dụng chỉ đạo phòng dịch một hướng như vết dầu loang ra cả nước.

Ảnh nh họa

Cuối tháng 7/2021, sau khi Hà Nội bước vào đợt giãn cách mới, một vụ ùn tắc kéo dài hàng cây số ở cửa ngõ Pháp Vân-Cầu Giẽ xảy ra khi chốt kiểm soát chưa bố trí làn riêng cho những xe đủ điều kiện ra vào, công tác kiểm tra giấy tờ, làm test nhanh nhưng phải chờ… rất lâu.

Đầu tháng 8, Bộ GTVT chỉ rõ, vụ ùn tắc 7km trên Quốc lộ 5 là do Hải Phòng vẫn tổ chức kiểm tra dịch bệnh với các xe có thẻ “luồng xanh”. Cuối tháng 8, Cần Thơ bị “tuýt còi”, yêu cầu bỏ quy định xe đến cửa ngõ phải nằm chờ vài ngày để trung chuyển hàng hóa.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ thừa nhận: “Chủ trương thì đúng nhưng ở các chốt hiểu chưa đúng, chưa đầy đủ, triển khai chưa cụ thể, dẫn đến bất cập trong lưu thông. Chỉ dừng một xe độ 5 phút trên đường, rất nhiều xe khác nối đuôi nhau 1-2km. Và như vậy sẽ không chỉ 5 phút mà đến 1 tiếng gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp, lãng phí. Cái này phải chấn chỉnh”

Nguyên nhân đã được Chính phủ nhận diện: Có sự thiếu thống nhất, đồng bộ giữa cách hiểu, cách vận dụng của các địa phương với chỉ đạo của Chính phủ, bộ ngành. Có nơi do lo ngại thái quá đã áp dụng theo kiểu “của mình”. Bản thân các bộ ngành cũng phải vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, vừa bàn bạc với nhau, và có những độ trễ trong phối hợp.

Chỉ thị 15, 16 và 19 cũng được cho không còn phù hợp với thực tiễn đợt dịch thứ tư. Nếu kéo dài chiến lược triệt tiêu Covid sẽ gây nguy cơ “xơ vữa” mạch máu giao thông, đóng băng các hoạt động xã hội.

Trước tình hình đó, ngày 11/10/2021, Nghị quyết 128 đã chính thức được Chính phủ ban hành. Nghị quyết xác định, cần linh hoạt sống chung với dịch bệnh, trao sự chủ động phòng ngừa lây nhiễm cho từng cá nhân; không xét nghiệm, gây phiền nhiễu việc đi lại của người dân; thống nhất tiêu chuẩn đánh giá mức độ dịch và điều kiện ra vào các địa phương trên toàn quốc.

Ảnh nh họa

Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, Nghi quyết 128 như “một luồng gió mới” tháo gỡ tình trạng “cát cứ trong lưu thông”:
“Các bộ, ngành, địa phương không được phép ban hành quy định, giấy phép con hoặc mức phòng, chống dịch bệnh cao hơn hướng dẫn chung của Nghị quyết. Nếu các Bộ, ngành, địa phương nghiêm túc thực hiện thì đương nhiên sẽ tháo gỡ rất nhiều những ách tắc, vướng mắc lâu nay”

Sau 2 tháng triển khai Nghị quyết 128, hầu hết chốt kiểm soát ra vào các địa phương đã được dỡ bỏ, việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa đã thông suốt, người dân đi lại thuận tiện hơn.

Theo ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng ban dân nguyện của Quốc hội, để Nghị quyết 128 phát huy hiệu quả bền vững, cần cơ chế giám sát, chấn chỉnh thường xuyên: “Tính tuân thủ của các địa phương rất quan trọng, đặc biệt cần tránh tình trạng trên bảo dưới không nghe, Trung ương điều hành tuyệt đối, mà địa phương lại không tuân thủ. Tôi đề nghị, từ Nghị quyết này, chúng ta phải có sự theo dõi, đánh giá người đứng đầu các địa phương để xác định trách nhiệm, hòa cùng nhịp đập của cả nước”

Với việc áp dụng NQ 128, ngay cả trong tình hình dịch bệnh phức tạp, hoạt động giao thông và chuỗi cung ứng, sản xuất của cả nước vẫn được đảm bảo. Mạch máu giao thông vận tải được khơi thông , “cơ thể” nền kinh tế đất nước đang dần phục hồi để sớm trở lại khỏe khoắn.