Ghi nhận của phóng viên tại quận Quận 8, sự thay đổi rõ nét nhất là sự ra đời của phường Rạch Ông, hình thành từ sự kết hợp của ba phường 1, 2 và 3. Cái tên "Rạch Ông" gợi nhớ về một dòng kênh lịch sử, gắn liền với bao ký ức của người dân địa phương.
Với hơn 50 năm sinh sống tại Phường 2 cũ nay là phường Rạch Ông, cô Hồ Thị Kim Thoa đã có những chia sẻ: “Từ phường 1, phường 2, phường 3 gộp lại thành Phường Rạch Ông thì riêng đối với những người dân ở đây thì sẽ có tình cảm gắn bó với cái tên Rạch Ông nhiều hơn là cái tên phường 1,2,3, ở quận nào cũng có phường 1 2 3 thì người ta không hiểu, nhưng gắn tên như phường Rạch Ông, Phường Ông Lãnh, Phường Bến Nghé thì cảm giác như quê hương mình, nó sẽ hay hơn”
Không chỉ phường Rạch Ông, việc sáp nhập phường 8, 9, 10 thành phường Hưng Phú và phường 11, 12, 13 thành phường Xóm Củi cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc quy hoạch, phát triển đô thị, thu hút đầu tư và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Tuy còn đôi chút lo lắng về giấy tờ với tên gọi địa phương cũ, thế nhưng ông Hồ Văn Anh (62 tuổi) vẫn bày tỏ sự kỳ vọng vào những đổi thay tích cực mà việc sáp nhập phường mang lại: “Trước kia cũng còn bâng khuâng nhưng sau khi có quy định là mình có thể từ từ thay đổi chứ không phải áp đặc mình phải làm một lần một, như vậy khi nào có nhu cầu thì người dân sẽ đi đến để địa phương hỗ trợ công tác chuyển đổi giấy tờ của người dân. Chú kỳ vọng sau khi sáp nhập và đổi tên thì lãnh đạo cũng mới, công việc cũng sẽ mới, chú tin tưởng rằng từ sau khi sáp nhập sẽ tạo thuận tiện cho người dân.”
Theo thông tin từ UBND TP.HCM, việc sáp nhập này nhằm mục tiêu tinh gọn bộ máy hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, vẫn còn đó những khó khăn, thách thức. Việc sáp nhập phường đồng nghĩa với việc địa bàn quản lý của mỗi phường sẽ rộng hơn, số lượng dân cư đông hơn, đòi hỏi đội ngũ cán bộ phường phải nỗ lực nhiều hơn nữa để nắm bắt tình hình, giải quyết những vấn đề phát sinh.
Để sẵn sàng đón nhận nhiệm vụ mới, các đơn vị đã chủ động sắp xếp lại công tác tổ chức từ rất sớm, bà Dương Thị Loan Thảo – Chủ tịch UBND Phường Rạch Ông, Quận 8 chia sẻ: “Phường Rạch Ông trên cơ sở sáp nhập phường 1, phường 2, phường 3 cũ thì quy mô sau khi sáp nhập sẽ trên 80 nghìn dân. Thì hôm nay chúng tôi đã có công tác chuẩn bị công tác từ vài ngày trước, phòng ốc làm việc thì cũng đã chuẩn bị để sau ngày 1/1 là bắt tay vào làm việc. Trong công việc sắp tới chúng tôi sẽ duy trì bộ máy để làm sao phục vụ tốt nhất cho người dân”
Cách đó không xa, Quận 6 cũng có những điều chỉnh đáng kể trong địa giới hành chính. Sau khi sắp xếp, quận 6 từ 14 phường, giảm còn 10 phường. Việc sáp nhập và điều chỉnh địa giới một số phường giúp quận 6 tinh gọn bộ máy, nâng cao năng lực quản lý, đồng thời tạo điều kiện để tập trung nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Nguyễn Ngọc Thành – Chủ tịch UBND Phường 2, Quận 6 (sau khi nhập toàn bộ phường 6 và điều chỉnh một phần diện tích, dân số phường 5) cho biết, nhân viên cán bộ công chức rất đồng thuận với chủ trương sắp xếp lại đơn vị hành chính, sẵn sàng chuẩn bị cho những nhiệm vụ mới: “Ngay từ đầu cán bộ công chức rất đồng thuận với chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính, mỗi cán bộ công chuẩn đã xây dựng phương án để sẵn sàng bàn giao hoặc về đơn vị mới. Riêng về công tác giải quyết thủ tục hành chính trong những ngày đầu bộ phận 1 cửa vẫn duy trì để tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và đồng thời hướng dẫn người dân đến với đơn vị mới sau khi sáp nhập”
Sau khi toàn bộ phường 3, phường 4 ‘về chung nhà’ với phường 1 (Quận 6) sẽ tạo ra áp lực không nhỏ về diện tích và dân số. Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc giải quyết các thủ tục hành chính sau khi sáp nhập, ông Nguyễn Ngọc Trung- Chủ tịch UBND Phường 1, Quận 6 cho biết, đơn vị luôn bố trí lực lượng để hỗ trợ, hướng người dân, không để phát sinh thủ tục mới sau khi sáp nhập: “Theo chỉ đạo UBND Quận thì công tác tiếp dân phải làm sao để công tác tiếp dân không để người dân phải đi lại nhiều lần, thứ 2 là không phát sinh những thủ tục mới. Các phường sẽ cử các lực lượng để hỗ trợ người dân, nhất là các cô chú lớn tuổi, đi lại khó khăn. Làm sao để mọi công tác giải quyết thủ tục hành chính được thuận lợi nhất”
Bên cạnh những thuận lợi, vẫn còn đó những khó khăn, thách thức. Hy vọng rằng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, ủng hộ của người dân và sự nỗ lực của chính quyền ở mỗi địa phương trong thời gian tới thì việc ‘thay áo mới’ tại các phường ở Quận 8 và Quận 6 nói riêng, TP.HCM nói chung, không chỉ là sự thay đổi về mặt hành chính, mà còn là bước chuyển mình quan trọng trong tiến trình phát triển đô thị.