Nhiều khu vực ngập sâu kéo dài, Hà Nội cần lưu ý phòng tránh dịch bệnh

Dù nước lũ đang rút dần nhưng tình hình ngập lụt ở các huyện Chương Mỹ và Quốc Oai, Hà Nội vẫn diễn ra nghiêm trọng.

Như tại xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, tính đến chiều qua (2/8), ở nhiều thôn, xóm, nước vẫn ngập từ 0,5 đến gần 2m. Sau gần nửa tháng nước ngập sâu, kéo dài, người dân và chính quyền các địa phương cần lưu ý gì để phòng tránh dịch bệnh?

PV VOV Giao thông có cuộc trao đổi với PGS. TS. Doãn Ngọc Hải, Chủ tịch hội đồng Trường đại học Y tế công cộng. 

 

Tại nhiều thôn, xóm ở xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, Hà Nội, tính đến chiều 02/8, nước vẫn ngập từ 0,5 đến gần 2m (Ảnh: Minh Hiếu)

PV: Ông có đánh giá thế nào về những nguy cơ có thể xảy ra khi ngập úng kéo dài?

PGS. TS. Doãn Ngọc Hải: Vấn đề của Hà Nội trở nên nghiêm trọng vì Hà Nội không quen bị lụt, lâu lâu mới có một lần, nên việc ứng phó cần sự quan tâm đặc biệt hơn của chính quyền và người dân.

Khi ngập lụt thì tổn thất về tài sản, tinh thần, sự lo lắng của người ta là rất lớn, nên nó cũng ảnh hưởng sức khỏe, đặc biệt là những người có bệnh mạn tính, người cao tuổi. Họ sẽ không duy trì được việc khám sức khỏe thường xuyên nữa, thuốc thang cũng không đầy đủ, trở thành nguy cơ rất lớn. Sau ngập lụt, nhiều người lại đi bệnh viện, tiếp tục gây thiệt hại kinh tế.

Đặc biệt là những vùng nông thôn, những vùng còn nghèo, chỉ cần một tác động sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của họ. Do vậy cần sự trợ giúp của chính quyền, của ngành y tế. Không có thì người ta vẫn chịu đựng được thôi, nhưng Hà Nội thì phải có quỹ phòng, chống lụt bão để đảm bảo cho người dân.

Sau ngập lụt mới liên quan vấn đề vệ sinh và môi trường, vì sau úng ngập, tất cả các loại chất bẩn đều dềnh lên và mới phát tán khắp nơi, từ chuồng trại đến nhà vệ sinh đều hòa trộn với nhau, rất dễ sinh dịch bệnh dịch từ đó.

Sau ngập úng, tất cả các loại chất bẩn đều dềnh lên và phát tán khắp nơi, rất dễ phát sinh dịch bệnh (Ảnh: Minh Hiếu)

PV: Ông có thể chia sẻ những lưu ý về việc phòng, chống dịch bệnh tại các vùng ngập lụt?

PGS. TS. Doãn Ngọc Hải: Đầu tiên đương nhiên là con người, quan trọng nhất là không thiệt hại về người, đặc biệt là trẻ em và người già, nguy cơ sụt lún tại các cái hố khi còn nước. Mỗi người dân phải hiểu về những nguy cơ trong và sau quá trình lụt để tự bảo vệ bản thân: thứ nhất là dịch đau mắt, thứ hai là tiêu chảy, vì vậy cần phải lưu ý ăn chín uống sôi, cẩn thận và có thuốc.

Các bệnh mạn tính là y tế cơ sở như các trạm y tế, trung tế y tế - đơn vị quản lý các bệnh không lây nhiễm phải có tác động đến người dân. Thay vì việc hẹn người ta đến khám lại, các bệnh viện có bệnh nhân ở khu vực đấy thì nên gửi thuốc, nhắc nhở người ta.

Cục Quản lý môi trường y tế có trách nhiệm hướng dẫn chung cả nước. Ở Hà Nội thì chỉ đạo Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) về việc dọn dẹp, vệ sinh môi trường, tẩy uế, xử lý các giếng nước và nguồn nước.

Y tế công cộng cũng có các đoàn sinh viên tình nguyện có thể giúp làm sạch môi trường, xuống cùng người dân giải quyết các vấn đề nước sạch, vệ sinh môi trường, hướng dẫn người dân ăn chín, uống sôi, bảo vệ sức khỏe,…

PV: Xin cảm ơn ông.

Chính quyền và người dân cần chủ động dọn vệ sinh, nước rút đến đâu dọn ngay đến đó (Ảnh - Minh Hiếu)

Phó bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đã ký quyết định về việc thành lập Ban Chỉ huy phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai. Sở Y tế Hà Nội cũng đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường đáp ứng công tác y tế trong và sau mưa lũ. TTYT các huyện Chương Mỹ và Quốc Oai đã cấp phát hơn 200kg Cloran B 25% đến các xã bị ngập, phục vụ công tác xử lý nguồn nước và môi trường, đồng thời tăng cường công tác khám chữa bệnh, hướng dẫn và xử trí người bệnh.

Bên cạnh các giải pháp từ cơ quan chức năng, ThS. Nguyễn Thị Bích Thủy, Phó trưởng Khoa Sức khỏe môi trường và cộng đồng, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường khuyến cáo người dân chủ động bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình: "Đầu tiên là sử dụng nguồn nước sạch, người dân cần sẵn sàng những dụng cụ chứa nước, thực hiện làm trong nước bằng phèn và khử trùng nguồn nước theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Sau khi nước rút phải thau rửa và khử trùng giếng nước, bể chứa nước sinh hoạt.

Thứ hai, đảm bảo an toàn thực phẩm trong và sau những ngày ngập úng. Người dân cần thực hiện ăn chín, uống chín, không ăn thực phẩm sống, không ăn rau sống. Trong trường hợp không có điều kiện đun nấu thì nên sử dụng các loại mỳ ăn liền đóng gói, thức ăn đóng hộp, nước uống đóng chai còn nguyên vẹn.

Thứ ba, đảm bảo vệ sinh cá nhân, người dân không tùy tiện đi tiểu, đi tiêu bừa bãi, vệ sinh tay trước và sau ăn, sau khi đi vệ sinh.

Công tác khử khuẩn, vệ sinh môi trường cần được chú trọng khi nước rút (Ảnh - Thanh Niên)

Thứ tư, người dân cần chủ động vệ sinh môi trường quanh khu vực mình sinh sống, nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó. Với xác động vật chết trong mưa lũ cần thu gom và sử dụng vôi bột hoặc các hóa chất để xử lý khi chôn, tránh phát sinh dịch bệnh truyền nhiễm. Gia súc, gia cầm phải được quản lý chặt chẽ, phối hợp nhân viên ngành y tế phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ.

Thứ năm, thu gom, phân loại và xử lý rác đúng quy trình. Sau khi nước rút thì người dân cần khơi thông cống rãnh, lấp các vũng nước đọng, phát quang bụi rậm, quét dọn và vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng. Tăng cường các biện pháp vệ sinh và sát trùng chuồng trại.

Thứ sáu, khi có các dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh: tiêu chảy, đau mắt đỏ, sốt xuất huyết, bệnh ngoài da,… thì cần đến ngay cơ sở y tế nơi gần nhất để được khám, điều trị kịp thời, tránh lây lan ra cộng đồng.

Cuối cùng, khi ngủ cần mắc màn, kể cả ban ngày, tránh muỗi đốt; quản lý chăm sóc trẻ nhỏ để phòng tránh đuối nước"