Nguy cơ cháy lớn, nhiều chủ kho hàng, nhà xưởng vẫn chủ quan

Trên địa bàn Hà Nội có hàng nghìn khu nhà xưởng, kho bãi đang hoạt động nhưng phần lớn không đạt yêu cầu về an toàn phòng cháy, chữa cháy… Về vấn đề này, VOV Giao thông có cuộc trao đổi với Thượng tá Nguyễn Thành Vinh, Phó trưởng CAH Hoài Đức (Hà Nội).

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

PV: Ông có thể đánh giá về thực trạng công tác PCCC đối với các cơ sở sản xuất trên địa bàn quản lý? Trong công tác quản lý nhà nước về PCCC đối với các cơ sở sản xuất thì lực lượng PCCC thường gặp những khó khăn gì?

Thượng tá Nguyễn Thành Vinh: Thực trạng về công tác PCCC trên địa bàn của chúng tôi thì đa số đều đan xen những khu vực sản xuất, các cơ sở, hộ gia đình và các cơ quan, với một địa bàn chật hẹp, giao thông, nguồn nước không đảm bảo.

Chúng tôi đi tuyên truyền rất nhiều trên loa phát thanh là chữa cháy không mất tiền, cá nhân xảy ra cháy không phải chi một đồng nào nếu xảy ra cháy, chúng tôi chỉ căn cứ việc xảy ra cháy ảnh hưởng như thế nào mới xử lý hành vi dẫn đến cháy.

Và trách nhiệm của người đứng đầu, của cơ sở cũng như là người dân còn khá kém. Người ta nghĩ là chưa cháy đến nhà mình hoặc chỗ nhà mình chưa cháy thì họ chưa sợ. Đó là trách nhiệm của người dân, chủ hộ sản xuất đang bị hạn chế là như vậy.

PV: Từ những thực trạng và khó khăn nêu trên, lực lượng Cảnh sát PCCC có những biện pháp xử lý trong công tác PCCC đối với các cơ sở này như thế nào?

Thượng tá Nguyễn Thành Vinh: Những sự tiềm ẩn nguy cơ cháy trên địa bàn còn khá cao nhưng chúng tôi cũng đang kiểm soát được bằng cách tham mưu cho chính quyền địa phương mở các lớp tập huấn, tuyên truyền lưu động đến các điểm làng nghề, khu tập trung đông người, có nguy hiểm cháy nổ theo cán bộ địa bàn đề xuất.

Về công tác phòng ngừa, chế tài xử phạt hành chính theo NĐ167 chúng tôi áp dụng cũng triệt để, nhưng liên quan đến quyết định đình chỉ và tạm đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở chưa đảm bảo an toàn PCCC thì chúng tôi cũng đã bàn giao lại cho chính quyền địa phương.

PV: Để đảm bảo công tác đảm bảo an toàn PCCC đối với cơ sở sản xuất thì chủ cơ sở phải thực hiện trách nhiệm như thế nào, xin Thượng tá Nguyễn Thành Vinh cho biết cụ thể?

Thượng tá Nguyễn Thành Vinh: Để đảm bảo an toàn PCCC cho các hộ sản xuất, người dân sinh sống trên địa bàn của chúng tôi cũng như trên địa bản thành phố thì tôi cũng có lời khuyên: đối với các hộ gia đình, phải có ý thức trong việc sử dụng điện, nếu mua sắm thêm trang thiết bị thì phải kiểm tra hệ thống tải, khu vực đun nấu phải giám sát, trong coi.

Đối với các xưởng sản xuất, chúng tôi cũng khuyến cáo khi có ý định mở xưởng phải tham khảo vị trí mở xưởng đó có thuận lợi về giao thông PCCC hay không; phải căn cứ vào quy mô, diện tích có thuộc sự thẩm duyệt PCCC hay không, phải mua sắm các thiết bị PCCC như thế nào. Trong quá trình họa động, người đứng đầu cơ sở phải đưa ra các biện pháp để bảo vệ tài sản của mình.

PV: Vâng, xin cảm ơn Thượng tá!

Một số thông tin về công tác PCCC tuần qua

# Trong tuần qua, trê đại bàn Thủ đô xảy ra 10 vụ cháy (trong đó có 5 vụ cháy trung bình và 5 vụ cháy nhỏ). Về tình hình CNCH, lực lượng chức năng đã tiếp nhận 7 tin báo, đồng thời cứu được 1 người và tìm thấy 1 thi thể.

# Ngày 15/12, Phòng Cảnh sát PCCC Công an TP Hà Nội phối hợp với huyện Đan Phượng tổ chức diễn tập phương án chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tại Cụm công nghiệp làng nghề Tân Hội năm 2020. Đánh giá về phương án diễn tập, Đại tá Trần Ngọc Dương, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết: Các đơn vị đã hoàn thành các phương án diễn tập theo đúng kế hoạch đề ra, bảo đảm an toàn về người và phương tiện.

# Cũng trong tuần qua, lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an quận Cầu Giấy, Hà Nội đã tổ chức diễn tập cứu người mắc kẹt trong đám cháy tại khu vực nhà hàng trong Trung tâm thương mại Big C.