Người dân về quê đón Tết chính là cơ hội cho địa phương thích ứng an toàn

Lo ngại dịch bệnh lây lan, một số tỉnh thành khuyến nghị người dân hạn chế về quê dịp Tết, hoặc áp dụng các biện pháp kiểm soát cao hơn hướng dẫn của Chính phủ và của Bộ Y tế, gây tâm lý tiêu cực cho bà con xa quê.

Phải chăng, một số địa phương đang chỉ nhìn vào nguy cơ mà bỏ qua những giá trị, ý nghĩa rất lớn cho nhiều bên, từ việc người dân về quê đón Tết?

Phóng viên VOVGT đối thoại với PGS. TS Nguyễn Đức Lộc - Viện trưởng Viện nghiên cứu đời sống xã hội (Social life) xung quanh nội dung này.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Tỉnh Quảng Ngãi không bắt buộc người dân về quê đón Tết test nhanh hay xét nghiệm COVID-19. Ảnh: T.Trực

PV: Ông nhận định như thế nào về tác động của các văn bản này, biện pháp này đối với tâm lý của người dân, đặc biệt là người di cư xa quê?

PGS. TS Nguyễn Đức Lộc: Nhu cầu gặp gỡ người thân, cha mẹ của người di cư là rất quan trọng.

Đợt này chúng ta được nghỉ Tết 9 ngày, mà thực ra 9 ngày cũng không quá nhiều; Khi họ nhận được các công văn đó đã tạo ra các cảm xúc rất tiêu cực.

Khi Chính phủ ban hành nghị định về thích ứng an toàn nhưng các địa phương lại không chào đón họ thì họ có cảm giác chạnh lòng và nó còn tạo ra tâm lý kỳ thị người đi xa về.

Rõ ràng là chúng ta đã không đặt vào tâm thế của người di cư để ban hành chính sách, chưa kể những quy định đấy cũng không đúng với chủ trương chung của cả nước.

PV: Một số ý kiến cho rằng dòng người về quê đón Tết cũng tạo ra cơ hội cho các địa phương. Vậy với các văn bản này phải chăng họ đang tự hạn chế các cơ hội thu hút nguồn lực cũng như thúc đẩy các hoạt động kinh tế của địa phương, nhất là trong bối cảnh khó khăn như hiện nay? 

PGS. TS Nguyễn Đức Lộc: Khi di dân về thì sẽ tạo ra sức tiêu dùng tại các vùng quê mạnh lên vào dịp Tết là đúng nhưng nó chỉ là một phần nào đó thôi, điều quan trọng theo tôi là yếu tố tinh thần.

Theo tôi, cái lợi ích lớn hơn là chúng ta tạo ra tính thích ứng tự nhiên vì những người đi xa về là những người có kinh nghiệm ứng phó với dịch, biết đâu chính họ là những nhân tố để chúng ta thúc đẩy được câu chuyện thích ứng an toàn.

PV: Xin cám ơn ông!