Người dân tán thành việc ghi hình để nâng cao sự nghiêm túc của CSGT

Điểm mới trong Thông tư 67 quy định chi tiết về hình thức giám sát CSGT thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp. Qua đó nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân; phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong h

Đa số người dân đều đồng tình với Thông tư 67 của Bộ Công an 

Ngay trong ngày đầu tiên khi Thông tư 67 của Bộ Công an có hiệu lực, đa số người dân khi được hỏi đều đồng tình với những quy định của Thông tư này, nhất là việc người dân có quyền quay phim, chụp ảnh, ghi âm ghi hình khi lực lượng Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ:

 

“Theo tôi thì hoàn toàn đồng ý người dân được quyền giám sát được quyền ghi hình vì mình làm đúng quy đinh. Thực ra quan điểm của tôi thì tôi rất ủng hộ chuyện là được phép quyền giám sát được ghi âm, ghi hình. Nếu mà cảnh sát làm đúng quy định thì họ cũng không quan ngại về việc người dân giám sát họ”.

“Tôi thấy việc thông tư 67 ra là rất hợp lý vì có thể cho người dân rõ hơn về công việc của công an, cảnh sát giao thông. Và cũng là điều kiện cho công dân giám sát xem họ làm việc có công nh hay không”.

“Tôi rất tán thành thông tư này vì có thể nâng cao được sự nghiêm túc của cảnh sát giao thông. Vì có thể là vừa tuyên dương thái độ làm việc của các chiến sĩ công an khi thực hiện tốt nhiệm vụ và nếu các chiến sĩ công an có những điểm xấu thì có thể nêu ra cho cơ quan chức năng có biện pháp xử lý kịp thời".

Thông tư 67/2019 quy định, nhân dân được giám sát Công an nhân dân trong việc thi hành các quy định của pháp luật trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Trong đó quy định có 5 hình thức giám sát đối với Cảnh sát giao thông là: 

- Thông qua các thông tin công khai của Công an nhân dân và phản hồi qua các phương tiện thông tin đại chúng; 

- Thông qua các chủ thể giám sát theo quy định của pháp luật; 

- Thông qua tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc với cán bộ, chiến sỹ; 

- Thông qua kết quả giải quyết các vụ việc, đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp. 

Thông tư cũng quy định rõ, việc giám sát Cảnh sát giao thông phải khách quan, trung thực, đúng quy định của pháp luật, không được làm cản trở, ảnh hưởng đến việc thực thi nhiệm vụ của cán bộ, chiến sỹ. 

Trung tá, Đỗ Trọng Tuân, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 14, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an Hà Nội cho biết, Đội đã quán triệt đến toàn bộ cán bộ, chiến sỹ khi làm nhiệm vụ tại các chốt trọng điểm và các tuyến tuần tra. 

Trong đó có việc khi lực lượng Cảnh sát giao thông xử lý các hành vi phạm thì người dân có quyền ghi âm, nghi hình. Theo Trung tá Tuân, việc này sẽ làm cho cán bộ, chiến sỹ khi làm nhiệm vụ luôn ý thức được rằng mình có thể bị người dân giám sát mọi lúc, mọi nơi khi làm việc, từ đó mỗi cán bộ, chiến sỹ phải tự nâng cao trách nhiệm, giữ hình ảnh, tác phong đúng mực:

 

“Đội Cảnh sát giao thông số 14 đã quán triệt đến cán bộ, chiến sỹ phải nghiêm chỉnh chấp hành điều lệnh Công an nhân dân và văn hóa ứng xử khi thi hành công vụ. Đối với những người khi cản trở lực lượng thi hành công vụ thì cán bộ, chiến sỹ phải giải thích rõ ràng cho người dân khi thực hiện quyền ghi âm, ghi hình, chụp ảnh theo quy định. Đồng thời người dân cũng phải chấp hành các quy định của pháp luật Việt Nam và tạo điều kiện cho lực lượng chức năng làm nhiệm vụ”.

Người dân khi thực hiện giám sát đối với Cảnh sát giao thông phải tuân thủ quy định của pháp luật liên quan đến ghi âm, ghi hình (Ảnh: zing)

Luật sư Nguyễn Hồng Bách, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm chủ tịch hội đồng tư vấn công ty luật Hợp Danh Hồng Bách và cộng sự cho rằng, Thông tư 67 có hiệu lực, việc giám sát Cảnh sát giao thông thực hiện nhiệm vụ bằng các phương tiện điện tử như ghi âm, ghi hình sẽ giảm bớt những vụ việc gây tranh cãi về những hành vi có tính chất tiêu cực trong hoạt động này. 

Việc người dân được ghi âm, ghi hình lực lượng Cảnh sát giao thông xử lý vi phạm giao thông thể hiện sự dân chủ, để người dân thực hiện quyền giám sát của mình về các hoạt động của cơ quan chức năng, cũng như hạn chế những tiêu tực xảy ra trong quá trình lực lượng Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ. Tuy nhiên, việc giám sát phải theo quy định của pháp luật, có văn hóa. Luật sư Nguyễn Hồng Bách nói:

 

“Thông tư 67 trao cho người dân quyền được giám sát nhưng nhưng phải nằm trong một trật tự. Thông tư cũng quy định rõ những khoảng cách cũng như các khu vực làm việc của cảnh sát giao thông thì người giám sát không được xâm phạm vào và quá trình giám sát không được gây cản trở hoạt động chấp pháp bình thường của lực lượng Cảnh sát giao thông. Nếu người dân không hiểu hoặc trong quá trình giám sát mà lại vi phạm vào thẩm quyền hoặc các khu vực không được vào để giám sát thì chúng ta vô tình trở thành vi phạm pháp luật”.

Việc ban hành Thông tư 67 của Bộ Công an với mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, góp phần xây dựng lực lượng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, vì Nhân dân phục vụ.

Tuy nhiên, người dân khi thực hiện giám sát đối với Cảnh sát giao thông phải tuân thủ quy định của pháp luật liên quan đến ghi âm, ghi hình. Khi đăng tải phải tôn trọng sự thật, tự chiu trách nhiệm, nếu đưa thông tin không đúng sự thật, bôi nhọ sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật../.