Nghiên cứu dùng cát biển làm nền đường cao tốc

Việc dùng cát biển làm vật liệu xây dựng sẽ bổ sung cho nguồn cát sông đang bị thiếu hụt ở khu vực ĐBSCL là chủ đề chính của Hội thảo chuyên đề: "Sử dụng cát nhiễm mặn làm vật liệu đắp nền đường ô tô ở ĐBSCL" do Trường Đại học GTVT phối hợp với Vụ Khoa học Công nghệ tổ chức.

Các phương tiện cơ giới tham gia thi công cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây (Ảnh nh họa: TTXVN)

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Việt, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông Vận tải cho biết, trước yêu cầu cấp bách về nguồn vật liệu đất đắp nền đường phục vụ xây dựng các tuyến cao tốc nói riêng, tuyến giao thông đường bộ nói chung ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với khối lượng đặc biệt lớn, trong khi nguồn vật liệu đắp truyền thống (cát sông) không đủ đáp ứng, hội thảo chuyên đề "Sử dụng cát nhiễm mặn làm vật liệu đắp nền đường ô tô ở Đồng bằng sông Cửu Long" với sự tham gia của nhà khoa học, nghiên cứu, quản lý có chuyên môn cao nhằm trao đổi và tìm kiếm hướng nghiên cứu, giải pháp kỹ thuật cần thiết hướng tới việc áp dụng vật liệu cát nhiễm mặn (cát biển) để đắp nền đường ở Đồng bằng sông Cửu Long vào thời gian tới.

Ông Lê Văn Dương, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ Giao thông Vận tải) cho hay, trước yêu cầu cấp bách của Chính phủ về việc triển khai xây dựng hàng loạt các tuyến đường cao tốc ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn 2030, cần một lượng lớn vật liệu đất, cát đắp nền đường. Trong đó, giai đoạn 2022 – 2025, Bộ Giao thông Vận tải sẽ đồng loạt triển khai 4 dự án đường cao tốc với nhu cầu sử dụng khoảng 36 triệu m3 cát đắp nền.

Nếu sử dụng cát sông để đắp nền đường như hiện nay thì trữ lượng của các mỏ cát đang được cấp phép khai thác tại Đồng Tháp, Vĩnh Long, An Giang… sẽ không đáp ứng được yêu cầu.

Trong các giải pháp khả thi tìm kiếm vật liệu thay thế cát sông, khả thi nhất là phương án nghiên cứu sử dụng cát biển hoặc cát nhiễm mặn thi công nền đường. Tuy nhiên, cần hoàn thiện kỹ thuật, thí điểm ngoài thực tế với công trình giao thông.

Tại Hội thảo, các nhà khoa học đã trình bày nhiều báo cáo quan trọng. Trong đó, báo cáo "Cát nhiễm mặn sử dụng làm vật liệu xây dựng ở Việt Nam" do TS. Nguyễn Ngọc Lân thay mặt nhóm nghiên cứu đến từ Trường Đại học Giao thông Vận tải, Công ty cổ phần Phát triển ADF Việt Nam và Cục Quản lý điều tra cơ bản biển và hải đảo trình bày đã tập trung tổng quan về nguồn cát biển nhiễm mặn tại nước ta, các đặc trưng và tính chất cơ bản của cát nhiễm mặn và một số ứng dụng đã và đang thực hiện tại Việt Nam.

Báo cáo "Định hướng giải pháp đắp nền đường ô tô cao tốc bằng cát nhiễm mặn trên nền đất yếu ở đồng bằng sông Cửu Long" do PGS. TS Nguyễn Đức Mạnh thay mặt nhóm nghiên cứu đến từ Trường Đại học Giao thông Vận tải trình bày đã tập trung làm rõ việc sử dụng cát nhiễm mặn đắp nền đường ô tô hiện nay ở Việt Nam; cát nhiễm mặn ở khu vực phía Nam Việt Nam và đề xuất giải pháp sử dụng cát nhiễm mặn đắp nền đường ô tô ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Cuối cùng, báo cáo "Một số giải pháp địa kỹ thuật để xây dựng đường ô tô cao tốc trên nền đất yếu ở đồng bằng sông Cửu Long" do ông Lê Đức Thành - Công ty TNHH Thương mại, Dịch vụ và Xây Dựng Bách Mỹ trình bày cũng thu hút sự quan tâm, thảo luận của nhiều chuyên gia, nhà khoa học.

Tại Hội thảo các chuyên gia còn trao đổi rất sôi nổi về việc đắp được hay không đắp được nền đường ô tô bằng cát nhiễm mặn, làm thế nào để cát biển trở thành vật liệu xây dựng ở Việt Nam, các vấn đề phát sinh khi đắp nền bằng cát nhiễm mặn, giải pháp áp dụng và cho rằng cần thiết triển khai nghiên cứu thi công thử nghiệm..../.