Nghỉ học thứ bảy: Có khả thi?

VOVGT - Liên quan đến đề xuất không dạy học vào thứ bảy, nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn: Lý do nào để đưa ra đề xuất này? Liệu đề xuất này có khả thi không?

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Đề xuất các cơ sở giáo dục không dạy học vào ngày thứ Bảy đang nhận được nhiều sự quan tâm. Ảnh: Thanh niên

PGS. TS. Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - đã đề xuất cho học sinh nghỉ học ngày thứ 7. Theo ông Bình, việc sắp xếp lịch học vào ngày thứ 7 của nhiều cơ sở giáo dục phổ thông chưa nhận được sự đồng thuận của xã hội, đặc biệt là gia đình của người học và giáo viên, do ảnh hưởng đến kế hoạch thời gian chung của gia đình, khi đại bộ phận người lao động nghỉ làm việc vào ngày thứ 7 và chủ nhật. Vì vậy, thường trực Ủy ban đề nghị: cân nhắc không tổ chức dạy học vào ngày thứ 7 ở các cơ sở giáo dục phổ thông, dành thời gian phù hợp cho các em để tham gia các hoạt động của gia đình và cộng đồng.

Đề xuất này nhanh chóng nhận được sự quan tâm của học sinh, phụ huynh và giáo viên cả nước. Các em học sinh tỏ ra háo hức và nhiều phụ huynh bày tỏ ý kiến đồng tình. Hiện đa phần học sinh bậc tiểu học đã được nghỉ thứ 7, còn với học sinh bậc THCS và THPT vẫn phải đi học vào ngày này. Trên thực tế, nhiều gia đình muốn đi dã ngoại hoặc cho con tham gia các hoạt động ngoại khóa đều rất khó sắp xếp vào cuối tuần, vì học sinh chỉ được nghỉ 1 buổi, thậm chí, có thầy cô còn yêu cầu học thêm vào ngày chủ nhật.

Dưới góc nhìn chuyên gia, nhiều ý kiến đồng tình với đề xuất này bởi mong muốn được nghỉ dạy và học ngày thứ 7 hết sức chính đáng với cả giáo viên, học sinh và các bậc phụ huynh.

Nhà báo Ngọc Tước (Phó Tổng Biên Tập - Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam) bày tỏ quan điểm:

 

"Theo tôi, việc tổ chức học thêm ngày thứ 7 là không nhất thiết, mà hoàn toàn có thể áp dụng cho các con nghỉ học vào ngày thứ 7 cho đến hết cấp THPT cũng là chuyện bình thường, hoàn toàn khả thi. Bản thân các con bây giờ học quá nhiều, sáng chiều, thậm chí tối vẫn còn có thể học thêm nữa. Vậy nếu các con có thêm ngày thứ 7 chủ động trong việc học tập thêm các môn học khác, như thể thao để phát triển thể chất chẳng hạn. Chưa kể chuyện nếu được nghỉ học ngày thứ 7 thì cũng phù hợp với lịch nghỉ của cha mẹ".

Tuy nhiên, một câu hỏi lớn được đặt ra là: nếu chỉ tổ chức dạy và học với 5 ngày trong tuần thì có đáp ứng được chương trình đề ra hay không? Bởi lẽ, để đảm bảo đủ số tiết dạy theo đúng chương trình trong 5 buổi học, chỉ có cách cho học sinh bậc THCS và THPT học 2 buổi/tuần. Điều này buộc các trường phải có đủ số phòng học, trang bị đủ cơ sở vật chất, nên khó khả thi. Trong bối cảnh chương trình còn nặng và nhiều trường chưa đáp ứng được yêu cầu về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, rất cần những giải pháp đồng bộ để đề xuất nghỉ học thứ 7 trở thành hiện thực.

Chuyên gia giáo dục, TS. Lê Thống Nhất phân tích:

 

"Đó là đề xuất phần nào đáp ứng lòng mong mỏi của đa số giáo viên cũng như học sinh. Tuy nhiên, có khá nhiều vấn đề này sinh, đặc biệt là khung chương trình mà chúng ta sắp thực hiện, phần nào đấy cũng còn khá nặng. Cho nên cần giải pháp đồng bộ thì phương án này mới khả thi được. Ngoài ra, một yếu tố có thể giảm sức nặng của chương trình, đó là nâng cao trình độ của giáo viên. Thứ hai, học sinh phải được trang bị phương pháp học".

Không chỉ có thêm thời gian nghỉ ngơi, chủ động sắp xếp lịch học, việc nghỉ ngày thứ 7 sẽ giúp học sinh có thêm thời gian cho các hoạt động ngoại khóa, phát triển kỹ năng sống và thể chất một cách toàn diện. Đặc biệt, các bậc phụ huynh sẽ có thêm thời gian để gần gũi và quan tâm tới con cái, bởi gia đình mới là cái “nôi” để giáo dục tư cách, đạo đức cho trẻ.

TS. Lê Thống Nhất cho rằng:

 

"Nếu như đã quyết định nghỉ thứ 7 thì có nghĩa là không có hoạt động của nhà trường. Còn chuyện học thêm về năng khiếu, tham gia CLB, kỹ năng sống,… thì có thể là lựa chọn của gia đình. Ai cũng biết các em sống trong môi trường ngoài trường học còn có xã hội và gia đình. Cho nên, trong đề nghị nghỉ thứ 7 cần nhấn mạnh tăng giờ để con cái gần gũi với gia đình. Những sinh hoạt khác như tham quan, nghỉ ngơi, đưa con đi mua sách, thư viện, không chỉ là đọc những cuốn sách trong chương trình mà còn rất nhiều thứ sách khác".

Nhiều chuyên gia tâm huyết với giáo dục đều bày tỏ, chương trình giáo dục phổ thông mới cần xây dựng theo hướng mở hơn nữa để trao quyền chủ động cho các cơ sở và địa phương, giúp họ xây dựng kế hoạch, nội dung giảng dạy phù hợp với nhu cầu, điều kiện thực tế. Bên cạnh đó, các trường cũng cần tăng cường dạy học tự chọn, vừa giải quyết việc học sinh phải học quá nhiều môn, vừa phát huy được năng lực của người học; từ đó có thêm ngày nghỉ thứ 7 và giảm thời gian học tập quá nhiều như hiện nay.