Nghề tay trái 'hái' tiền mùa dịch

Dịch COVID-19 kéo dài khiến nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng. Không ít người lao động mất việc, giảm lương. Nhưng ở góc nhìn tích cực hơn, cũng có nhiều người tận dụng cơ hội của sự dịch chuyển thói quen mua sắm, để khai thác một hướng đi mới.

Nghe nội dung chi tiết tại đây: 

 
Ảnh nh họa: Trấn Long - VOV

Tại chốt kiểm dịch ngõ 385, phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội, bạn Nguyễn Hà Linh nhận gói thực phẩm đặt mua từ một cửa hàng rau củ online đảm bảo quy trình giao nhận hàng an toàn:

'Mặc dù nhà em ngay gần chợ Nghĩa Tân nhưng em ít đi chợ mà hay đi siêu thị. Khu nhà em là vùng xanh phải có phiếu đi chợ mới đi được mà em lại ngại. Với lại em muốn tìm địa chỉ bán rau từ vườn. Mình dựa vào review của người đi trước. Những đồ em mua đều có review đúng nên em tin tưởng'.

Không chỉ Hà Linh mà nhiều bà nội trợ cũng tìm kiếm nguồn cung thực phẩm trên kênh trực tuyến. Nhờ vậy, nghề bán hàng online càng lên ngôi kể từ khi dịch bệnh bùng phát và trở thành chiếc “phao” đối với nhiều lao động mất việc, giảm lương trong thời gian này.

Tiệm may đo áo cưới của chị Hải Yến nổi tiếng ở Hà thành, vì dịch bệnh mà hoạt động chững hẳn lại. Cách đây 2 tháng, tận dụng diện tích mặt bằng hộ kinh doanh khác vừa trả, chị mở cửa hàng rau củ hữu cơ “Daisy Home Farm”, dù chỉ bán trực tuyến nhưng vẫn có thu nhập trang trải cuộc sống:

'Khi đợt dịch năm ngoái chị đã chuẩn bị rồi. Ngành áo cưới là một trong những ngành bị ảnh hưởng đầu tiên. Mình cũng phải lấy ngắn nuôi dài. Đúng thời điểm này triển khai làm luôn. Cái đối tượng khách hàng của chị là cô dâu, các bạn nữ, hướng tới ăn uống sạch, bảo đảm sức khỏe. Thuận lợi là đã có tập khách hàng rồi', chị Hải Yến chia sẻ.

Trong khi tại Hà Nội, việc giao hàng thiết yếu vẫn được phép hoạt động thì tại TPHCM, cửa hàng “Cỏ Thơm” chuyên cung cấp sản phẩm chăm sóc sức khỏe của bạn Phạm Linh vừa tạm dừng bán. Trước đó, Linh đã kịp quyên góp lợi nhuận bán hàng cho Quỹ chung tay vì tuyến đầu chống dịch. 

Kinh doanh online giúp một bộ phận người dân ổn định thu nhập trong mùa dịch bệnh Covid-19. Ảnh: Camau.gov.vn

Ý tưởng mở “Cỏ Thơm” đã có từ lâu nhưng phải tới khi nghề Quản lý bán hàng gặp khó khăn, Linh quyết tâm nghỉ việc mở cửa hàng online. Vừa bán các loại dược liệu chăm sóc sức khỏe mùa dịch, Linh vừa dành thời gian chăm sóc bản thân: 

Em muốn bán hàng lâu rồi nhưng thời gian dành hết cho công việc khác. Nhưng sau mình không chăm sóc được bản thân nên qua bán sản phẩm chăm sóc sức khỏe, quan tâm tới sức khỏe nhiều hơn. Sản phẩm xông tắm, gội đầu thảo dược, chai nước súc ệng cần thiết cho ngày dịch vừa dùng sản phẩm, lợi nhuận lại đem đóng góp, cảm thấy vui. 

Thống kê từ Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam công bố tháng 4 vừa qua, lĩnh vực bán lẻ hàng hóa trực tuyến tăng 46%. Cùng những lợi ích thấy rõ từ hoạt động này, cũng xuất hiện những cá nhân, doanh nghiệp trà trộn hàng kém chất lượng, hàng giả gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Trong khi quy định về điều kiện kinh doanh, cấp giấy phép hoạt động trên môi trường mạng còn nhiều bất cập, vấn đề bảo hộ tài sản sở hữu trí tuệ còn kém hiệu quả.

Ông Trần Trọng Tuyến, Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam khuyến nghị: 'Thương mại điện tử giúp cho người mua hàng có được nhiều món hàng mà không bị hạn chế về mặt không gian, đôi khi giá rất là rẻ nhưng cũng tiềm ẩn những rủi ro. Cho nên hãy mua hàng thông nh, mua ở những website uy tín người tiêu dùng biết thương hiệu rồi; thông tin web rõ ràng, bài bản và có dấu chứng nhận bởi Bộ Công thương ở chân Web hoặc các sàn thương mại điện tử. Đặc biệt lưu ý các hành vi có tính lừa đảo'

Kinh doanh trực tuyến được dự báo sẽ bùng nổ với các hình thức mới trong thời gian tới. Nhiều ý kiến cho rằng, để đảm bảo lợi ích cho người tiêu dùng và cả người kinh doanh, cần công cụ quản lý tốt hơn, tạo đà cho lĩnh vực này phát triển, tiến tới thu thuế theo quy định./.