Ngăn chặn vi phạm nồng độ cồn từ các doanh nghiệp vận tải

Ngăn chặn các trường hợp lái xe vi phạm nồng độ cồn cần kết hợp nhiều giải pháp từ cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải và bản thân những người tham gia giao thông.

Theo số liệu của Ủy ban an toàn giao thông quốc gia, trong giai đoạn từ năm 2018-2022, toàn quốc xảy ra 1.990 vụ TNGT vi phạm nồng độ cồn, chiếm 3,2% tổng số vụ TNGT đường bộ khiến 1.154 người chết và 1.497 người bị thương.

Trong đó số vụ TNGT nghiêm trọng tới đặc biệt nghiêm trọng có 789 vụ, chiếm 39,6%. Phương tiện vi phạm chủ yếu là mô tô, xe máy chiếm 65%, ô tô tải và ô tô con chiếm từ 14,8%.

Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức Hội thảo khảo sát Xây dựng Mô hình kinh doanh theo Mục tiêu phát triển bền vững (SCG) với Khu vực Tư nhân để Tăng cường ngăn ngừa tai nạn giao thông do lái xe khi có nồng độ cồn bằng thiết bị đo nồng độ cồn qua hơi thở và Hỗ trợ giáo dục.

 Sáng ngày 30/5, tại Hà Nội, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức Hội thảo khảo sát Xây dựng Mô hình kinh doanh theo Mục tiêu phát triển bền vững  (SCG) với Khu vực Tư nhân để Tăng cường ngăn ngừa tai nạn giao thông do lái xe khi có nồng độ cồn bằng thiết bị đo nồng độ cồn qua hơi thở và Hỗ trợ giáo dục.

Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Việt Công, đại diện Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, tình trạng lạm dụng rượu bia không chỉ làm gia tăng các vụ tai nạn giao thông mà còn liên quan đến tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông và sức khỏe của người dân. Thời gian, Chính phủ và các Bộ, ban ngành đã ban hành nhiều chính sách, quy định pháp luật nhằm ngăn ngừa lái xe vi phạm nồng độ cồn với mức xử phạt ngày càng tăng nặng, hành vi vi phạm về nồng độ cồn khi tham gia giao thông có mức xử phạt hành chính gần cao nhất so với các lỗi vi phạm khác.

Ông Công đánh giá, thời gian qua, giải pháp cưỡng chế vi phạm và điều tra xử lý TNGT do vi phạm nồng độ cồn của lực lượng CSGT đã phát huy hiệu quả, làm giảm mạnh số trường hợp vi phạm, kéo giảm TNGT do liên quan đến nồng độ cồn, hình thành thói quen không điều khiển phương tiện sau khi uống rượu bia của nhiều người tham gia giao thông.

Theo đại điện Viện Khoa học Cảnh sát, Học viện Cảnh sát nhân dân, số lượng các trường hợp vi phạm về nồng độ cồn bị xử lý năm 2022 là trên 308 nghìn trường hợp, chiếm 11,1% tổng số vi phạm hành chính, bằng 1/3 số trường hợp vi phạm nồng độ cồn bị xử lý trong giai đoan 2018-2022. Tuy nhiên, giải pháp cưỡng chế vi phạm của lực lượng cảnh sát giao thông đòi hỏi phải duy trì thường xuyên liên tục, trong khi nguồn nhân lực hạn chế.

Đại diện Học viện Cảnh sát nhân dân đề xuất, cần quy định cụ thể đối với trường hợp lực lượng CSGT được phép tạm giữa người vi phạm trong trường hợp khi sử dụng rượu, bia ở mức độ say không thể điều khiển phương tiện và đa dạng hóa các cách thức xử lý vi phạm. Bên cạnh đó, trong Luật hình sự cũng cần xem xét, bổ sung những quy định tội danh cụ thể đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn.  

Ông Tetsuya Sugimoto, Đại diện từ Hiệp hội kiểm tra nồng độ cồn qua hơi thở Nhật Bản (J-BAC) chia sẻ kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc ngăn chặn các vi phạm về nồng độ cồn khi lái xe. Theo đó, từ năm 2009, Chính phủ thắt chặt các hình phạt hành chính đối với tài xế uống rượu lái xe thông qua tước giấy phép lái xe lên tới 10 năm và đồng thời xử phạt nặng những người cung cấp phương tiện, cung cấp rượu và người đi cùng.

Năm 2021, Nhật Bản áp dụng quy định bắt buộc trang bị thiết bị kiểm tra nồng độ cồn trong doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách. Khoản 1 Điều 65 Luật Giao thông đường bộ Nhật Bản quy định Không ai được phép lái xe khi đã uống rượu.

Ông Takehiro Matsumoto, Đoàn Nghiên cứu JICA, Công ty Tokai Denshi dẫn chứng, tỷ lệ lái xe tử vong từ TNGT do lái xe sau khi uống rượu bia trên thế giới trung bình từ 17-20%, tương đương có khoảng 250 nghìn người tử vong mỗi ngày do liên quan đến các vụ tai nạn giao thông do vi phạm nồng độ cồn. Trong đó, tỷ lệ này cao nhất ở Mỹ 33%, Thái Lan 27%, Việt Nam 11% và Nhật Bản là 6,9%.

Từ sau khi Chính phủ Nhật Bản sử dụng những biện pháp kết hợp xử phạt hành chính và ban hành những quy định yêu cầu kiểm soát nồng độ cồn đối với các doanh nghiệp vận tải hàng hóa, hành khách, số vụ tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia tại quốc gia này đã giảm mạnh từ mức khoảng 26 nghìn vụ năm 2006, xuống còn khoảng trên 2.000 vụ mỗi năm, trong đó số vụ tai nạn gây tử vong khoảng 152 vụ.

Chia sẻ về kinh nghiệm của Nhật Bản, ông Takehiro Matsumoto cho biết, chính quyền và cơ quan quản lý Nhà nước Nhật Bản đã đưa ra chính sách hỗ trợ kinh phí cho các doanh nghiệp vận tải mua thiết bị đo nồng độ cồn tại các doanh nghiệp với mức hỗ trợ chi phí trung bình khoảng 5 triệu đồng và cao nhất khoảng 20 triệu đồng Việc lựa chọn, lắp đặt các thiết bị đo nồng độ cồn chất lượng tại các doanh nghiệp cũng rất được quan tâm.

Song song với đó, chính phủ và các doanh nghiệp thực hiện đồng thời các biện pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức của người tham gia giao thông, nói không với việc điều khiển phương tiện sau khi sử dụng rượu bia.

Huy động các doanh nghiệp, khối tư nhân kiểm soát nồng độ cồn

Theo các chuyên gia, để hạn chế tiến tới ngăn chặn hoàn toàn các trường hợp lái xe vi phạm nồng độ cồn cần kết hợp nhiều giải pháp từ cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải và bản thân những người tham gia giao thông.

Tổng Công ty vận tải Hà Nội (Transerco) hiện vận hành 119 tuyến/ nhánh tuyến xe buýt, chiếm 77,8% thị phần mạng lưới xe buýt của Hà Nội. Đơn vị có trên 3.000 lái xe, mỗi ngày, có hơn 14.500 lượt xe bus.

Nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm xã hội trong việc ngăn chặn lái xe vi phạm nồng độ cồn, Tổng Công ty vận tải Hà Nội (Transerco) đã ứng dụng nhiều công nghệ trong nhằm kiểm soát vận hành và ngăn ngừa các trường hợp mất an toàn giao thông trong hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, trong đó, đơn vị đã trang bị các thiết bị đo nồng độ cồn của các lái xe.

Ông Lê Anh Nam, Phụ trách Trung tâm điều hành xe bus, Tổng Công ty vận tải Hà Nội cho biết, trước năm 2019, đơn vị này đã trang bị 20 máy đo nồng độ cồn để kiểm tra thí điểm trên tuyến bus, tuy nhiêu cách làm này gây bất tiện cho các lái xe, khó khăn trong bố trí lao động thay thế và không thể kiểm soát được tất cả các trường hợp vi phạm.

Đại diện Công ty Tokai Denshi, Nhật Bản giới thiệu thiết bị đo nồng độ cồn

Từ năm 2019, với sự hỗ trợ của Công ty Tokai Denshi, Nhật Bản, Transerco đã triển khai lắp đặt thiết bị đo nồng độ cồn tại các đơn vị hoạt động buýt để kiểm tra nồng độ cồn trong cơ thể cho các lái xe trước khi điều khiển phương tiện nhằm đảm bảo an toàn trong suốt hành trình cho hành khách, lái xe.

Ưu điểm của phương pháp này là chụp ảnh đồng thời khi thổi kết nối với hệ thống quản lý chung của Tổng công ty, nếu có trường hợp vi phạm, hệ thống sẽ gửi mail trực tiếp lập tức cho người quản lý, giúp ngăn ngừa che dấu các vi phạm của nhân viên tại đơn vị; tự động tổng hợp dữ liệu…

Phương pháp này đã mang lại kết quả khả quan, khi số lượng vi phạm nồng độ cồn của lái xe có xu hướng giảm từ 51 trường hợp vào tháng 10/2022 và giảm xuống 7 trường hợp vào tháng 3/2023.

Chia sẻ bên lề hội thảo, Đại diện Phòng CSGT Công an thành phố Hà Nội cho biết, thời gian qua, lực lượng CSGT đã tăng cường công tác xử lý vi phạm đối với những lái xe có sử dụng rượu via và đã đạt được những kết quả nhất định.

Tuy nhiên, thực tế quá trình triển khai gặp không ít  khó khăn do người điều khiển phương tiện trốn tránh việc kiểm tra hoặc khi đã kiểm tra có nồng độ cồn trong hơi thở thì có thái độ không hợp tác, gây mất thời gian, ảnh hưởng đến hiệu quả công tác. 

Vị đại diện này đánh giá cao giải pháp kiểm tra nồng độ cồn của Transerco và mong muốn, các doanh nghiệp vận tải hành khách trên địa bàn thực hiện biện pháp kiểm tra nồng độ cồn trước khi lái xe tham gia vận hành phương tiện và yêu cầu các lái xe ký cam kết không lái xe sau khi uống rượu bia, để ngăn chặn các vụ tai nạn giao thông và đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông.