Ngăn bạo hành trẻ em: Đừng lơi lỏng trách nhiệm giám sát

Mới đây nhất, vụ việc bạo hành xảy ra tại mái ấm Hoa Hồng (quận 12, TP.HCM) đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc bảo vệ quyền lợi cho trẻ em tại các cơ sở chăm sóc trẻ em trên toàn quốc.

Thời gian qua, tình trạng trẻ em bị bạo hành thường xuyên xảy ra đã để lại hậu quả nghiêm trọng đối với sự phát triển toàn diện của trẻ. Mới đây nhất, vụ việc bạo hành xảy ra tại mái ấm Hoa Hồng (quận 12, TP.HCM) đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc bảo vệ quyền lợi cho trẻ em tại các cơ sở chăm sóc trẻ em trên toàn quốc.

Câu hỏi đặt ra đó là cách giám sát, kiểm tra hiện nay đối với các cơ sở nuôi dạy trẻ đang hiệu quả đến đâu? các cơ quan chức năng cần làm gì để quản lý tốt hơn, để không còn cảnh trẻ bị bạo hành như chúng ta từng thấy.

Theo thống kê của Tổng đài bảo vệ trẻ em, đơn vị này mỗi năm tiếp nhận bình quân từ 300 đến 400.000 cuộc gọi thông báo về tình trạng trẻ em bị xâm hại, bạo hành.

Trong đó, bạo lực thể chất chiếm tỉ lệ cao với nhiều vụ trẻ em bị đánh tại các cơ sở mầm non hoặc ngay ở gia đình mình. Không ít vụ việc cho thấy sự xuống cấp nghiêm trọng về đạo đức của một bộ phận người dân trong xã hội, của chính những người đáng lẽ là có trách nhiệm chăm sóc và bảo vệ các em.

Cơ sở nuôi dạy trẻ khuyết tật tại số 57 đường Trần Nhật Duật, phường Ia Kring, thành phố Pleiku, Gia Lai - nơi xảy ra vụ trẻ nghi bị bạo hành tử vong. (Ảnh: TTXVN phát)

Tại Gia Lai, đầu tháng 9 vừa qua, một trẻ 5 tuổi tử vong do bị bạo hành tại điểm nuôi trẻ khuyết tật không phép ở phường Ia Kring, thành phố Pleiku. Tại tỉnh Đắk Lắk, vào đầu tháng 7/2024, qua phản ánh của người dân, lực lượng chức năng của TP. Buôn Ma Thuột cũng đã kiểm tra và phát hiện một điểm giữ trẻ tự phát ở phường Tân Lợi có dấu hiệu bạo hành trẻ em.

Mới đây, dư luận cả nước bàng hoàng và phẫn nộ trước những thông tin về việc trẻ em bị bạo hành xảy ra tại mái ấm Hoa Hồng (thuộc phường Trung Mỹ Tây, quận 12, TP.HCM). Đây là cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập không thu phí, được Phòng Lao Động – Thương binh và Xã hội quận 12 cấp phép hoạt động, có chức năng, nhiệm vụ là trợ giúp, nuôi dưỡng trẻ em cơ nhỡ, trẻ bị bỏ rơi, trẻ mồ côi, sống lang thang.

Quá trình nuôi dưỡng các trẻ, các bảo mẫu tại đây đã có hành vi thô bạo, vô nhân tính của những bảo mẫu ở cơ sở này. Dưới danh nghĩa là mái ấm tình thương nhưng nơi đây những em bé tội nghiệp đã trở thành nạn nhân của tội ác và là công cụ của lòng tham khi người ta dùng chính các em để trục lợi… gây bức xúc dư luận.

"Chị là 1 người mẹ có 2 đứa con nên khi nhìn những hình ảnh đó thì tim chị như thắt lại luôn, chị rất là đau luôn và rất là bức xúc".

"Tôi rất bức xúc luôn, tại sao lại có những bảo mẫu như thế, cần phải nghiêm trị".

Bảo mẫu tên Tuyền xách tay một trẻ nhỏ kéo lê trong phòng. Ảnh: Thanh niên

Theo UBND quận 12, thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng ghi nhận 85 trẻ có mặt tại mái ấm, trong khi theo giấy phép, cơ sở này chỉ được nuôi không quá 39 trẻ.

Bà Võ Thị Chính (Phó Chủ tịch UBND quận 12) cho biết, thời gian qua, quận 12 đã có nhiều chỉ đạo, tăng cường công tác giám sát, kiểm tra để phòng ngừa các vi phạm trong các cơ sở trợ giúp xã hội, nhất là công tác chăm lo cho trẻ em, người có hoàn cảnh khó khăn. Đối với Mái ấm Hoa Hồng, quận 12 đã nhiều lần kiểm tra.

Mới nhất tháng 7 vừa rồi, MTTQ quận 12 đã trực tiếp xuống cơ sở này giám sát. Tuy nhiên, chưa lần nào kiểm tra phát hiện số lượng trẻ chăm sóc tại đây vượt quá số lượng cũng như hành vi bạo hành trẻ. Điều này cho thấy chủ mái ấm đã hành vi đối với cơ quan nhà nước.

“Đối với quận 12, chúng tôi thực hiện kiểm tra thường xuyên, kiểm tra định kỳ đối với các cơ sở bảo trợ và kể cả kiểm tra đột xuất khi có thông tin hoặc có dấu hiệu vi phạm. Ở đây, việc tại sao mình vào, mình kiểm tra mà không biết, thì trong quy định về kiểm tra thường xuyên thì chúng ta phải có kế hoạch, có thông báo cho chủ cơ sở. Như vậy, ở đây nếu thông qua công tác kiểm tra thường xuyên thì rất khó phát hiện. Chứng tỏ rằng trong việc này, chủ cơ sở đã có việc nghiên cứu đối phó với cơ quan nhà nước về quản lý", bà Chính cho biết. 

Ở góc độ pháp luật, luật sư Nguyễn Văn Hậu (Phó chủ nhiệm đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng hành vi bạo hành ngược đãi đối với trẻ em là một cái hành vi nghiêm cấm mà theo Luật trẻ em 2016 chúng ta quy định. Tùy theo hành vi và mức độ nghiêm trọng có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

“Về trách nhiệm hình sự, khi vụ việc có đầy đủ các yếu tố cấu thành về tội phạm thì người thực hiện các hành vi ngược đãi, bạo hành trẻ em sẽ bị truy cứu về tội hành hạ người khác theo Điều 140 của Bộ luật hình sự hiện hành với một cái mức án là từ một cho đến ba năm tù giam. Trong trường hợp nghiêm trọng thì người ngược đãi trẻ em có thể bị truy cứu về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác theo Điều 134 của Bộ luật hình sự hiện hành, với cái mức án tối đa có thể lên đến 20 năm tù giam hoặc tù chung thân”.

Các trẻ vui chơi cùng các cô giáo, bảo mẫu tại Cơ sở nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Tam Bình. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Cũng theo luật sư Hậu, để hạn chế tình trạng bạo hành trẻ em, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về đạo đức, lối sống, cách ứng xử trong gia đình, trách nhiệm nêu gương của người lớn trong gia đình; hướng dẫn gia đình, cơ sở giáo dục, nhà trường và trẻ em về kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt là phòng ngừa tình trạng cha, mẹ, người thân, người chăm sóc trẻ em xâm hại tính mạng, sức khỏe, tinh thần và nhân phẩm của trẻ.

"Các cơ quan ban, ngành cũng cần phải rà soát toàn diện các cái cơ sở có dấu hiệu vi phạm hoặc là nhận được cái phản ánh từ phía người dân, trong đó đó là tập trung triển khai cái hình thức thanh tra, kiểm tra đột xuất đối với lại các cái cơ sở có cái dấu hiệu vi phạm rõ ràng là nghiêm trọng.”

Có thể thấy, sau mỗi vụ bạo hành trẻ bị phanh phui, dư luận lại đặt vấn đề tuyển dụng nhân sự cho công việc nuôi dạy trẻ ở các nhà mở, mái ấm, các nơi giữ trẻ nhỏ. Họ có đủ năng lực và đạo đức không, các cơ sở nuôi dạy trẻ có quy trình giám sát nội bộ đủ nghiêm ngặt chưa? Và cách giám sát, kiểm tra hiện nay đối với các cơ sở nuôi dạy trẻ đang hiệu quả đến đâu?

Luật sư Cồ Lê Huy (Chi hội Luật sư, thuộc Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM), cho rằng, hậu quả của những vụ việc, hành vi thô bạo ấy chính là các em bị đau đớn về thể chất và những tổn thương về tinh thần. Do đó, việc giám sát chặt chẽ của cơ quan ban ngành và cộng đồng sẽ góp phần bảo vệ trẻ.

“Nhận thức từ người dân là cái chính, ví dụ như nhận thức từ cán bộ mà người ta thụ lý hồ sơ cấp phép, rồi cho tới cán bộ mà sau này quản lý các mái ấm khi đi vào hoạt động. Rồi chính quyền địa phương, người dân hàng xóm xung quanh, nếu mình nâng cao ý thức hơn nữa về pháp luật cũng như giám sát thì góp phần ngăn chặn.”.

Cần làm nhiều hơn nó

Đã gần 10 ngày kể từ khi những thông tin đầu tiên của vụ bạo hành trẻ em kinh hoàng tại mái ấm Hoa Hồng được công khai, cảm xúc phẫn nộ trước những hành vi vô nhân tính vẫn in hằn trong tâm khảm của không ít người. Bên cạnh đó là sự hoang mang, bức xúc khi những hành vi mạo danh nhân đạo, xâm hại quyền trẻ em tồn tại suốt thời gian dài mà không bị phát hiện, xử lý.

Trẻ tại Mái ấm Hoa Hồng đã được đưa đến các cơ sở bảo trợ công lập. (Ảnh: tphcm.chinhphu.vn)

Hơn 80 trẻ nhỏ tại mái ấm Hoa Hồng đã được ứng cứu khẩn cấp và chuyển về các cơ sở bảo trợ công lập; các cá nhân tổ chức vi phạm đã và đang được điều tra xử lý theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, điều mà nhiều người quan tâm là các bên liên quan sẽ làm gì để những vụ việc tương tự không còn diễn ra trong tương lai.

Thời gian qua, dù các bên liên quan đã có nhiều nỗ lực trong việc nói không với bạo hành trẻ em như thiết lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin trên phạm vi toàn quốc (Tổng đài 111); đẩy mạnh tuyên truyền, tham vấn nâng cao nhận thức về quyền trẻ em hay những tác hại của bạo hành, xâm hại trẻ nhỏ tại nhà trường, cộng đồng…song các vi phạm nghiêm trọng của mái ấm Hoa Hồng một lần nữa cho thấy vẫn còn quá nhiều thứ phải làm nếu muốn trẻ được an toàn.

Việc bước đầu thừa nhận và xác định những lỗ hổng công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở bảo trợ, nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em có thể được xem là điểm tích cực. Tuy vậy, việc đẩy mạnh kiểm tra, rà soát, thanh tra hoạt động của các cơ sở bảo trợ, nuôi dưỡng trẻ em là cần thiết để kịp thời phát hiện các sai phạm, nâng cao chất lượng chăm sóc, đảm bảo tốt các quyền của trẻ.

Về lâu dài, cần tập trung đầu tư nhiều hơn nữa nhân lực, vật lực để chuẩn hoá hoạt động, chất lượng của các cơ sở chăm sóc, bảo trợ. Song song đó cần đảm bảo thực thi nghiêm túc Luật trẻ em năm 2017 bằng những chương trình chi tiết và được lượng hoá bằng hành động cụ thể chứ không chỉ dừng lại ở lời nói.

Ở 1 quốc gia mà gần 70% trẻ em từ 1-14 tuổi đã từng bị bạo hành bởi chính những người trực tiếp chăm sóc thì bạo hành trẻ em sẽ còn nhiều nguy cơ xảy ra dưới danh nghĩa dạy dỗ. Do vậy, việc bảo vệ trẻ em trước tình trạng bạo hành, xâm hại cần phải được xem là nhiệm vụ chung của toàn xã hội thay vì của một vài tổ chức hay cá nhân nào đó.