Nâng tổng chiều dài cao tốc đang khai thác trên cả nước lên 1.822km

Hiện, Bộ GTVT và các địa phương đang tích cực triển khai xây dựng các đoạn còn lại trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, vành đai vùng và các tuyến đường bộ cao tốc để phấn đấu cuối năm 2025 có 3.000km đường bộ cao tốc và đến năm 2030 có 5.000km.

Toàn cảnh buổi Hội nghị Sơ kết thực hiện dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 đoạn từ Ninh Bình đến Nghệ An

Vừa qua, Bộ GTVT phối hợp cùng 3 tỉnh: Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An tổ chức Hội nghị Sơ kết thực hiện dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 đoạn từ Ninh Bình đến Nghệ An.

Ông Lê Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng (QLĐTXD) cho biết, các dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, đoạn từ Ninh Bình đến Nghệ An đã thông xe đưa vào khai thác gồm 4 dự án thành phần, có chiều dài 171,85km, tổng mức đầu tư 27.353 tỷ đồng, đi qua địa phận 4 tỉnh (Nam Định 5,1km, Ninh Bình 24,4km, Thanh Hóa 98,8km, Nghệ An 43,5km).

Trong đó, đoạn Cao Bồ - Mai Sơn dài 15,2km, tổng mức đầu tư là 1.607,4 tỷ đồng do Sở GTVT Ninh Bình làm chủ đầu tư; đoạn Mai Sơn - QL45 dài 63,37km, tổng mức đầu tư 12.918 tỷ đồng do Ban QLDA Thăng Long làm chủ đầu tư; đoạn QL45 - Nghi Sơn dài 43,28km, tổng mức đầu tư 5.534,5 tỷ đồng do Ban QLDA2 làm chủ đầu tư và đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu dài 50km, tổng mức đầu tư 7.293,2 tỷ đồng do Ban QLDA6 làm chủ đầu tư.

Đến nay, cả 4 đoạn đều đã hoàn thành và đưa vào khai thác. Trong đó, đoạn Cao Bồ - Mai Sơn đưa vào khai thác tháng 2/2022; đoạn Mai Sơn - QL45 đưa vào khai thác tháng 4/2023 và 2 đoạn QL45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu đưa vào khai thác từ ngày 1/9/2023.

Việc hoàn thành cao tốc đoạn từ Ninh Bình đến Nghệ An đưa vào khai thác đã rút ngắn thời gian di chuyển từ Hà Nội đến Nghệ An (Diễn Châu) chỉ còn khoảng 3 - 3,5 giờ, giải quyết nhu cầu vận tải hành khách và hàng hoá giữa các tỉnh khu vực phía Bắc và Bắc Trung bộ.

Đồng thời, sự “hòa mạng” của 4 đoạn cao tốc trên cũng giúp giảm thiểu TNGT, ùn tắc giao thông trên tuyến QL1; tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực và hình thành, phát triển các khu công nghiệp, trung tâm văn hoá, du lịch của các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và khu vực Bắc Trung bộ.

Theo đó, tổng chiều dài cao tốc đang khai thác trên cả nước đã được nâng lên con số 1.822km. Hiện nay, Bộ GTVT và các địa phương đang tích cực triển khai xây dựng các đoạn còn lại trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, các tuyến vành đai vùng Thủ đô, TP.HCM và các tuyến đường bộ cao tốc kết nối khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ và ĐBSCL để phấn đấu đến cuối năm 2025 có 3.000km đường bộ cao tốc và đến năm 2030 có 5.000km đường bộ cao tốc theo đúng Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.