Nắng nóng kỷ lục, Hồ Tây biến thành 'bể bơi công cộng'

VOVGT - Những ngày nắng nóng vừa qua, Hồ Tây trở thành một bể bơi miễn phí hấp dẫn khá nhiều người dân Hà Nội dù đã có nhiều cảnh báo về các nguy cơ đuối nước

Nghe nội dung chi tiết tại đây: 

 

Thời tiết nắng nóng khiến nhu cầu giải nhiệt của người dân Thủ đô tăng đột biến. Nhiều người tìm đến một số hồ lớn trên địa bàn thành phố Hà Nội để tắm mát; và một trong số “bể bơi” tự nhiên đó phải kể đến Hồ Tây, quận Tây Hồ, Hà Nội.

Vì lượng người đến tắm đông, chính quyền địa phương, Ban quản lý các hồ đã phải dựng nhiều biển cảnh báo với nội dung “Khu vực nguy hiểm, cấm tắm - bơi lội” ở ngay bậc thang lên xuống hồ, song nhiều người vẫn phớt lờ cảnh báo của chính quyền địa phương về những tai nạn đang rình rập.

Đợt nắng nóng vừa qua được coi là đợt nóng cao điểm nhất trong gần nửa thế kỷ tại Hà Nội

Tại khu vực phường Quảng An - hồ Tây, luôn quy tụ cả người lớn lẫn trẻ nhỏ thi nhau vùng vẫy vào các buổi chiều. Bãi tắm ở Hồ Tây tập trung chủ yếu quanh khu vực phố Trích Sài, Nguyễn Đình Thi, Nhật Chiêu, đông nhất từ 17h đến 18h30. Không chỉ có trẻ em, người lớn cũng tỏ ra thích thú với các bể bơi tự nhiên ễn phí này. Lý giải về sở thích tắm mát ở Hồ Tây, nhiều người dân cho rằng, Hồ Tây là hồ nước tự nhiên lớn nhất Hà Nội, không gian rộng rãi, mát mẻ và nhất là không mất tiền mua vé.

Không chỉ người lớn, người biết bơi, rất nhiều trẻ em tự ý đi bơi, lội nước dù không biết bơi, không có áo phao. Ngoài nguy cơ bị đuối nước thì hàng loạt các tài sản khác như xe máy, quần áo, túi ví, tư trang, điện thoại đều được bỏ lại la liệt trên bờ mà không hề có người trông coi rất dễ trở thành mồi ngon cho các đối tượng trộm cắp.

Chính vì thế kể từ đầu tháng 5 đến nay, chính quyền địa phương,đội quản lý trật tự phường, tổ dân phố đã tuyên truyền tới các gia đình để phụ huynh quản lý không cho con em đi bơi, tắm tại hồ. Hệ thống loa truyền thanh phường cũng liên tục phát cảnh báo về vấn đề này. Tuy thế cũng chỉ hạn chế được phần nào, bởi người dân địa phương có thể tuân thủ, nhưng những người ở nơi khác kéo đến hồ bơi và tắm thì rất khó ngăn cản.

Trao đổi về vấn đề ngày, bà Nguyễn Ngọc Lý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu môi trường và cộng đồng, Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng, những bãi tắm kiểu này luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về tai nạn đuối nước và các dịch bệnh như đau mắt đỏ, viêm tai - mũi - họng. Cách đây không lâu, tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng tại Hồ Tây đã được nhiều chuyên gia cảnh báo. Hồi tháng 10 năm ngoái, hiện tượng cá chết với số lượng lớn hàng trăm tấn tại Hồ Tây được chỉ ra là là do chất thải, nước thải đổ xuống hồ quá nhiều, khiến nguồn nước bị ô nhiễm trầm trọng. Dù chính quyền địa phương đã tích cực vào cuộc để xử lý hậu quả hiện tượng này, song không có gì đảm bảo rằng những nguy cơ gây bệnh từ nước hồ đã được kiểm soát hiệu quả. Bà Nguyễn Ngọc Lý cho biết:

 

Độ ô nhiễm Hồ Tây rất lớn, đặc biệt thời gian qua rất nhiều nước thải sinh hoạt thải xuống Hồ Tây, khiến lượng vi khuẩn rất lớn, rất nhiều nguy cơ gây ra các bệnh về mắt, bệnh ngoài da… Điều kiện để có thể tắm bơi lội đc thì phải đạt được những chuẩn nhất định. Nếu quản lý tốt và có thể biết được những thông số chính xác về chất lượng vệ sinh của Hồ Tây thì cần phải cung cấp cho người dân. Tuy nhiên, việc đo đếm hiện nay chúng ta chưa làm được.

Đã có nhiều giải pháp được đề xuất để cải thiện tình trạng ô nhiễm cũng như khôi phục hệ sinh thái Hồ Tây sau hiện tượng cá chết hàng loạt xảy ra cuối năm ngoái như “cắt” các nguồn xả thải chất ô nhiễm xuống Hồ Tây, dùng máy sục khí để cung cấp ô xy, để cho cá tự động đến khu vực đó, dùng một số chế phẩm vi sinh để hấp thụ các chất độc hại. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Ngọc Lý, những giải pháp này vẫn chỉ giải quyết một khía cạnh về môi trường nước Hồ Tây, trong khi để đảm bảo nguồn nước sạch, loại trừ các tác nhân gây bệnh cho con người khi tiếp xúc nguồn nước lại là bài toán khó:

 

Khôi phục hệ sinh thái với độ trong sạch của nguồn nước cũng rất khác xa nhau. Khôi phục hệ sinh thái chỉ là một khía cạnh thôi, nên khi sử dụng chế phẩm hoặc biện pháp nào đó chỉ là ở một khía cạnh. Còn việc giữ nguồn nước trong lành, đạt chất lượng để bơi, trừ hết tác nhân gây bệnh lại đòi hỏi hệ thống tiêu chí khác.

Có thể thấy, để dẹp được bãi tắm không dễ dàng, bởi không có chế tài nào để xử phạt người tắm sông, hồ. Trong khi đó, ngoài nguy cơ đuối nước, người tắm còn đối mặt với nhiều nguy cơ về mất an ninh tài sản, nhiễm bệnh do nguồn nước không đảm bảo. Và với việc thỏa sức tắm, bơi lội tại những nguồn nước sông, hồ như hiện nay, rất nhiều người vẫn đang phó mặc tài sản, sức khỏe của chính mình và những người thân.