Nâng cao vai trò của địa phương trong phát triển công nghiệp hỗ trợ

Một số địa phương có tiềm năng phát triển công nghiệp hỗ trợ lớn như Hà Nội, TP.HCM, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng,… thời gian qua, trên cơ sở những chính sách chung của Trung ương, đã chủ động ban hành chính sách cho riêng địa phương mình.

Đây là chia sẻ của ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương tại Tọa đàm “Tạo lực hút cho công nghiệp hỗ trợ: Vai trò từ địa phương” diễn ra ngày 29/8.

Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương chia sẻ tại Tọa đàm

Theo ông Phạm Tuấn Anh, thời gian qua, Chính phủ có nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với các doanh nghiệp. Từ năm 2017 khi áp dụng chính sách tại Nghị định số 111/2015/NĐ-CP, Bộ Công thương ghi nhận tác động lớn đến thực tiễn của ngành công nghiệp hỗ trợ. Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đã tham gia dần được vào các chuỗi cung ứng và đạt được giá trị gia tăng tương đối cao.

"Với vai trò là Bộ Công Thương, chúng tôi cũng chỉ là bước đầu để cho các địa phương làm theo thôi, bởi Bộ cũng không thể đủ nhân lực, nguồn lực để triển khai tất cả các công việc, mà vai trò của địa phương ở đây là rất lớn. Để phát triển được ngành công nghiệp hỗ trợ, các địa phương phải rất sát sao. Chính sách thu hút đầu tư của địa phương cũng nên có sự ràng buộc các nhà đầu tư, khi đầu tư vào, được hưởng các chính sách ưu đãi thì cũng phải có trách nhiệm đối với các doanh nghiệp của Việt Nam", ông Tuấn Anh nhận định.

Ông Lê Khắc Bảo, Phó trưởng Phòng Quản lý công nghiệp, Sở Công Thương Thành phố Hải Phòng cho biết, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố đã cơ bản tham gia tích cực vào chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ và cũng có những một số đề án đã xin được hỗ trợ. Tuy nhiên, do chương trình mới được ban hành nên các đề án này còn đang trong quá trình xem xét, chưa tham mưu được cho thành phố để thông qua.

Việc phát triển công nghiệp hỗ trợ ngày càng trở nên cấp thiết - Ảnh baochinhphu.vn

Khó khăn chính của doanh nghiệp khi tham gia vào chuỗi giá trị của các tập đoàn lớn mà Thành phố đã thu hút đầu tư trên địa bàn như LG, Bridgestone,… là: Khả năng tài chính của các doanh nghiệp còn hạn chế. Thứ hai, công nghệ, thiết bị, công tác quản trị doanh nghiệp của các doanh nghiệp Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn. Thứ ba, thực tế các doanh nghiệp quy mô còn rất nhỏ, về cơ bản chưa làm chủ được máy móc, thiết bị để có thể đáp ứng được các tiêu chuẩn mà các doanh nghiệp lớn yêu cầu. Ngoài ra, chất lượng của đội ngũ lãnh đạo cũng như là nhân sự, lao động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ nói chung là còn yếu.

"Chúng tôi cũng đang đề xuất một số nội dung để khi các doanh nghiệp lớn đến Thành phố thì phải có một số ràng buộc, ví dụ như về chuyển giao công nghệ, hay là cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tham gia vào một chuỗi nào đó ở trong sản xuất để thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước lên, đảm bảo mục tiêu theo chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ Thành phố đặt ra là 60% các sản phẩm công nghiệp do các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn trong nước sản xuất", ông Bảo thông tin.

Tọa đàm “Tạo lực hút cho công nghiệp hỗ trợ: Vai trò từ địa phương”

Nhìn nhận ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc CNCTech Thăng Long cho biết, hiện doanh nghiệp đang hợp tác với các công ty lớn trên thế giới để trao đổi, học hỏi thêm về kinh nghiệm, kiến thức cũng như hình thành cơ sở để có thể tạo ra được một hệ sinh thái hoàn chỉnh.

CNCTech mong muốn tiếp tục nhận được sự đồng hành và hỗ trợ của các cấp chính quyền để không chỉ CNCTech mà tất cả các doanh nghiệp Việt Nam được tạo điều kiện, có một môi trường thuận lợi để phát triển, đầu tư, cạnh tranh lành mạnh với các công ty ở trên toàn cầu.

"Rất là mong các tỉnh thành tiếp tục tạo môi trường đầu tư thuận lợi, tối ưu hóa các thủ tục hành chính, tháo gỡ nhanh các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp và đồng thời cần có các chính sách ưu đãi về thuế suất, đảm bảo mức tín dụng, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, gia tăng kết nối, hợp tác với cả các doanh nghiệp trong nước cũng như quốc tế để có thể tạo được một hệ sinh thái sản xuất Make in Vietnam", ông Nguyễn Thành Trung bày tỏ.