Mưu sinh trên mặt đường nung chảy

Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ đang trong những ngày nắng nóng đỉnh điểm với nhiệt độ cao nhất lên tới 41 độ C. Cộng với hiệu ứng đô thị, thời điểm giữa trưa, nhiệt độ ngoài đường có nơi hơn 50 độ C.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Khi mà ai nấy đều tìm cách trốn chạy cái nắng như nung, thì ở các góc phố con đường, vẫn có những người đội nắng mưu sinh 

 Nhấp vội ngụm nước đá và lau mồ hôi chảy thành dòng trên khuôn mặt ửng đỏ vì cháy nắng, anh Thạch Văn Tùng, một lái xe tải quê Hưng Yên nhanh chóng lên xe bắt đầu chuyến hàng tiếp theo. Anh Tùng chia sẻ, lái xe tải vất vả hơn một số anh em tài xế khác vì vừa phải lái, vừa phải bốc xếp hàng, điều hòa cũng chỉ dám bật chốc lát vì giá xăng dầu liên tục tăng cao:

“Lên hàng vào cái thùng xe kia thì rất là nóng. Bốc 15-20 phút là ngồi nghỉ một tý, nóng không làm việc được liên tục. Như anh thấy găng tay, áo chống nắng, mũ… đầy đủ hết, lúc nào cũng phải có bình đá trên xe. Em thuê trọ, không lắp điều hòa, buổi tối bọn em đổ nước ra sàn nhà cho mát. Bọn em thì sợ COVID hơn, thu nhập không được ổn định, còn nắng nóng thì bọn em lái xe mấy năm nay quen rồi", anh Tùng chia sẻ

Cũng vì nắng nóng, người dân Hà Nội sử dụng dịch vụ giao hàng tận nhà, tận nơi làm việc nhiều hơn. Đó cũng là lúc, các Shippers làm việc cật lực hơn bao giờ hết:

“Anh ơi có đơn hàng áo sơ anh ra Cửa Bắc nhận cho em với. 

Nhắn tin rồi mà nay gọi không được".

Chị Ngô Thị Tố Nga, nhân viên giao hàng đã đứng dưới tòa nhà công sở trên phố Cửa Bắc được gần một tiếng đồng hồ. Mấy ngày này, vật bất ly thân với người phụ nữ làm việc hơn 10 tiếng một ngày ngoài đường phố này là một bình giữ nhiệt trữ nước. Dù gắn bó từ khi dịch vụ này mới bắt đầu, chị Nga vẫn chưa quen được cảm giác mỗi khi bị khách “bỏ bom”:

“Rất nóng. Nắng nóng mà ra nhiều mồ hôi mất sức nhưng việc của mình thì mình phải đi thôi. Gọi khách không nghe máy, đặt hàng rồi bom nhắn tin không phản hồi. Đấy là bức xúc nhất. Trời nóng nực mà phải quay đi quay lại mấy lần. Có hôm nhiều hàng, trưa 40 độ phải đi bình thường. Tuyến đường này có bóng cây còn đỡ vất còn Phó Đức Chính kia không có một bóng cây nào luôn rát kinh khủng", chị Nga nói.

Ai cũng ướt sũng mồ hôi nhưng không thể nghỉ ngơi nếu việc chưa xong

Nếu như cánh tài xế còn có cabin che nắng, nhân viên giao hàng có thể đứng đợi 1- 2 tiếng dưới bóng râm, thì các công nhân vệ sinh môi trường phải “phơi” mình ngoài đường trong phần lớn thời gian làm việc. Ai cũng ướt sũng mồ hôi nhưng không thể nghỉ ngơi nếu việc chưa xong, như bộc bạch của chị Dương Thị Thùy: “Người bình thường ở trong nhà không bật điều hòa còn không chịu được, nữa là thời tiết 40 độ chúng tôi đi làm ngoài đường. Thế nhưng vì “cơm áo gạo tiền”, chúng tôi phải chấp nhận đi làm thôi. Đội mấy lớp mũ vải, phải uống nước rất nhiều nhưng mồ hôi cứ túa ra. Chưa xong việc, 12h vẫn phải làm".

Cũng giống chị Thùy, công việc xây dựng buộc công nhân như anh Nguyễn Minh Đạo, 59 tuổi ở Hải Dương phải làm việc dưới cái nắng như đổ lửa. Nhất là khi các anh phải làm việc nơi mặt đường bê tông hấp thụ nhiệt cao:

"Mấy ngày nay đều nắng như thế này 4-5 ngày rồi. Khó khăn cái nắng nóng thôi cố khắc phục vậy, làm sớm nghỉ sớm. Mỗi năm càng nóng lên 1-2 độ. Cũng cố gắng làm đẹp cho xã hội chứ giải nghệ ai mà làm".

Những người lao động xa quê ban ngày mưu sinh ngoài phố, buổi tối trải đá lạnh nằm tránh nóng trong căn phòng trọ. Trông trời, trông đất, trông mây, họ chỉ mong thời tiết đỡ khắc nghiệt, và có việc mà làm, để bám trụ lại thị thành, dù thu nhập chỉ đủ sống qua ngày.

---

Mời các bạn nghe nội dung đầy đủ của chuyên mục Nhật ký đô thị tại đây: