Mướt xanh đảo dừa Nam Yết

Khởi hành đi Trường Sa, chúng tôi mang theo nhiều lời nhắn nhủ về việc hái quả bàng vuông đặc trưng của quần đảo Trường Sa, nhưng quả thật, đến với đảo Nam Yết thuộc quần đảo Trường Sa, ấn tượng với tôi lại là những hàng dừa mát mắt với những công dụng di

Trên đảo Nam Yết, nhiều hàng dừa được trồng thẳng tắp

Chiếc cano cao tốc đưa chúng tôi từ tàu Hải quân lướt nhẹ trên mặt biển xanh biếc, với những con sóng hiền hòa, cập cầu tàu ở đảo Nam Yết, thuộc quần đảo Trường Sa. Ấn tượng đầu tiên khi đặt chân lên đảo là những hàng cây được trồng thẳng tắp hai bên lối đi.

Ngoài những cây đặc trưng như phong ba, bàng vuông, thứ cây được trồng nhiều nhất đảo là dừa, nên Nam Yết còn được gọi là “đảo dừa giữa biển Đông”.

Theo đại úy Hoàng Cao Cường, trợ lý tham mưu đảo Nam Yết, quần đảo Trường Sa, sức sống của cây dừa giống như tinh thần của các cán bộ, chiến sĩ trên hòn đảo tiền tiêu này. Mặc dù hàng năm có rất nhiều cơn bão lớn hoành hành trên biển Đông và quét ngang qua đảo, nhưng với sự dẻo dai của mình, hàng dừa trên đảo Na Yết vẫn trụ vững phát triển xanh tốt.

Cây dừa có được trồng ở khắp nơi trên đảo, khiến đảo Nam Yết phủ một màu xanh mát mắt

Không những thế, với sự vượt trội về chiều cao, tán rộng, hàng trăm cây dừa xung quanh đảo còn như một phên giậu chở che cho những vườn rau xanh cũng như nhiều loại cây ăn quả khác được cán bộ chiến sĩ dày công chăm bón không bị tác động trực tiếp của hơi muối và bão gió khắc nghiệt từ ngoài khơi xa. Những quả đu đủ nhỏ xinh đã nảy mầm, sinh sôi, có cây đã cho ra quả, như một sự báo đáp của thiên nhiên đối với nỗ lực của con người nơi biển cả.

Và như để “đền đáp” sự che chắn của cây dừa, dù nước ngọt luôn thiếu thốn, nhưng những cán bộ, chiến sĩ đảo Nam Yết đều ý thức việc chăm bón cho cây. Nước sạch sau khi tắm rửa, sinh hoạt được thu gom lại để tưới, chăm bón cho cây hàng ngày. Nói như trung tá Nguyễn Văn Khương, Chính trị viên đảo Nam Yết là “chăm sóc hàng ngày, liên tục, không ngừng nghỉ”.

Nhờ sự che chắn của cây dừa, đu đủ cũng cho ra quả dưới môi trường nắng gió khắc nghiệt của biển cả

Trung tá Nguyễn Văn Khương chia sẻ, trong những dịp lễ, tết, sinh nhật đồng đội hay đồng chí nào mới ốm dậy mới có tiêu chuẩn để thưởng thức những trái dừa mọng nước của đảo. 

Ngoài ra, những dịp quan trọng như ngày Tết Nguyên đán không thế thiếu vắng sự ‘góp mặt” của cây dừa. Phần cùi dừa được những bàn tay khéo léo của các chiến sĩ chế biến thành loại mứt dừa thơm ngon. Bánh chưng trên đảo Nam Yết cũng rất đặc biệt khi được gói bằng lá bàng vuông kết hợp với lá dong và lớp ngoài cùng bao giờ cũng được trang trí bằng lá dừa.

Khó có thể đo đếm có bao nhiêu cây dừa trên đảo Nam Yết, nhưng con số đó ngày càng được nhân lên không chỉ trong phạm vi đảo Nam Yết nói riêng, mà cả quần đảo Trường Sa nói chung. Bởi rất nhiều trái dừa từ đảo Nam Yết được nhân giống để trồng trên đảo cũng như cung cấp giống cho các hòn đảo khác.

Nói khiêm tốn như đại úy Hoàng Cao Cường, sự tác động của cán bộ, chiến sĩ chủ yếu là chăm sóc cây con, nhưng thực tế, rất nhiều mầm dừa từ đảo Nam Yêt đã mang màu xanh phủ hầu khắp các đảo thuộc quần đảo Trường Sa.

Một góc đảo Nam Yết phủ đầy bòng cây dừa.

Cùng tham gia doàn công tác số 3 ra đảo Nam Yết, đại tá Nguyễn Bá Hiểu, nguyên trưởng Ban quản lý dự án DK1, người có 3/4 cuộc đời binh nghiệp gắn liền với các công trình biển đảo cũng không giấu được niềm xúc động, tự hào trước công cuộc gìn giữ, phát huy truyền thống của cha anh của cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại Đảo Nam Yết, thuộc quần đảo Trường Sa thân yêu. Cùng với cây bàng vuông, cây dừa cũng đang dần trở thành biểu tượng cho sự kiên trung của cán bộ, chiến sĩ trên hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc.

Không chỉ cán bộ, chiến sĩ trên đảo Nam Yết hoàn thành nhiệm vụ trở lại đất liền, mà ngay cả nhiều du khách đến với đảo Nam Yết, trong thâm tâm đều muốn mang giống dừa này về trồng làm kỷ niệm. Nhưng không ai thực hiện điều đó, bởi họ hiểu rằng, chỉ cần thêm một cây dừa bén rễ ở đảo Nam Yết nói riêng và các đảo khác trong quần đảo Trường Sa nói chung, sẽ góp phần tạo màu xanh và sức sống mãnh liệt cho đảo trước sự khắc nghiệt của biển cả.