Để kiểm soát và hạn chế tình trạng này, cần giải quyết từ nguyên nhân gốc rễ là làm sạch môi trường nước ở hồ Tây.
PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Thành Nam, Phó Trưởng khoa Sinh học, trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) về nội dung này:
PV: Thưa PGS.TS Nguyễn Thành Nam, hiện tượng cá chết hàng loạt ở hồ Tây nếu không giải quyết dứt điểm có thể gây ra những tác động như thế nào?
PGS.TS Nguyễn Thành Nam: Hồ Tây có vai trò quan trọng là một điểm tham quan và mang tính biểu tượng của Thủ đô Hà Nội. Hiện tượng cá chết hàng loạt gây suy giảm đa dạng sinh học. Trong số đó, một số cá bị phân hủy, nhưng không thể nào dọn hết được hoặc xác cá chưa kịp vớt lên xử lý đã bị phân hủy, tạo thêm chất độc, gây ô nhiễm môi trường nước ở hồ Tây, tác động không tốt đến sức khỏe cộng đồng.
Hồ Tây cũng là điểm du lịch ưa thích đối với du khách trong và ngoài nước. Nếu tình trạng cá chết vẫn kéo dài, sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh của thành phố, hoạt động du lịch và các hoạt động kinh tế xung quanh.
PV: Vậy để khắc phục hiện tượng này, thời gian tới thành phố Hà Nội cần thực hiện những giải pháp gì?
PGS.TS Nguyễn Thành Nam: Hiện nay, thành phố Hà Nội đang thực hiện nhiều biện pháp “chống” nhiều hơn, gồm: xử lý phú dưỡng, cải thiện chất lượng môi trường nước. Để khắc phục hiện tượng này chúng ta nên đi theo hướng “phòng”, có nghĩa là làm sao kiểm soát lượng nước xả thải vào hồ tốt hơn nữa.
Mặc dù hiện nay, chúng ta đã làm rồi nhưng cần cố gắng làm tốt hơn nữa để làm sao không làm tăng thêm khả năng phú dưỡng, ô nhiễm hữu cơ vào hồ Tây, từ đó cải thiện chất lượng môi trường nước.
Bên cạnh đó, thành phố cần tăng cường hoạt động giám sát môi trường nước, thông qua thiết lập hệ thống quan trắc tự động theo dõi các thông số hoặc bố trí nhân lực kiểm tra thường xuyên hàm lượng oxy hòa tan và các chất gây ô nhiễm.
Mặc dù, hiện nay, thành phố có các trạm quan trắc hoặc thiết bị nhưng phải làm khá thường xuyên và có khả năng dự báo, đự đoán. Trước thời điểm thời tiết chuyển lạnh vào tháng 10, tháng 11 hàng năm, phải quan trắc dày hơn, phát hiện bất thường và xử lý sớm. Ví dụ như định kỳ nạo vét lòng hồ, để hạn chế tích tụ chất hữu cơ dưới nền đáy và tăng sự lưu thông, sự xáo động nước, để không xảy ra hiện tượng “lật đáy”.
Tiếp theo là nâng cao ý thức, nhận thức của cộng đồng, tránh tự do xả các loại nước, rác vào ao hồ nói chung và hồ Tây nói riêng.
Việc thả cá giống vào hồ cũng rất thận trọng. Nếu thả xuống đấy những nhóm không phù hợp, không phải là loài bản địa có thể phá vỡ cấu trúc tự nhiên ở khu vực đó.
PV: Hồ Tây có lưu lượng nước lớn như vậy, đâu là yếu tố quan trọng cần ưu tiện trong việc kiểm soát chất lượng môi trường nước?
PGS.TS Nguyễn Thành Nam: Để kiểm soát chất lượng nước hồ. Thứ nhất kiểm soát nguồn nước đầu vào – đầu ra của hồ Tây: các cống thoát nước để nước lưu thông. Cho dù hồ nước lớn và nhiều nước nhưng vẫn có tính chất của ao tù, thì rất nguy hiểm. Nếu mà hồ Tây chỉ có đường nước đưa vào mà không có đường thoát ra, không có sự dịch chuyển thì sẽ giống như một ao tù lớn và gần như luôn luôn xảy ra tình trạng ô nhiễm.
Do vậy, bên cạnh những hoạt động nạo vét lòng hồ, thành phố cũng cần tính đến phương án sử dụng những chế phẩm, hóa chất xử lý chất hữu cơ tồn đọng để giảm phú dưỡng của hồ.
Với nguồn lực sẵn có, tôi tin thành phố Hà Nội có thể làm được nếu có những quyết sách tốt. Tuy nhiên, thành phố nên hợp tác với các tổ chức nghiên cứu, các chuyên trong và nước ngoài, tiến hành khảo soát, đánh giá lượng nước đầu vào, sự lưu thông của dòng nước... Nếu thực hiện nghiên cứu tốt, dựa trên bằng chứng thực tiễn, thành phố sẽ đưa ra những giải pháp tốt để cải thiện chất lượng nước hồ Tây.
Hồ Tây không chỉ nằm ở trên địa phận thuộc quận Tây Hồ mà nó còn có giá trị của cả thành phố. Tôi nghĩ để cải thiện chất lượng nước hồ cần có sự tham gia chung tay, đồng lòng của thành phố Hà Nội, quận Tây Hồ, BQL hồ Tây và các đơn vị liên quan.
PV: Vâng. Xin cảm ơn ông!