Một người ngủ quên, bao người sực tỉnh

Câu chuyện thí sinh ngủ quên cho đến phút chót trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, dù đã được tường trình và rút kinh nghiệm, song vẫn chưa hết ý kiến thảo luận trên các diễn đàn.

 

Người trách giám thị thiếu sát sao; nười đổ lỗi cho gia đình đã không ưu tiên chuyện ăn ngủ của con hơn là việc học. Người thở dài cho nền giáo dục thi cử quá áp lực. Và cũng có người trách cả thí sinh, sao lại sơ suất đến mức ngủ quên ngay lúc làm bài.

Bình luận nào cũng có lý. Nhưng nếu cứ đổ lỗi và phán xét nhau, thì có thể kỳ thi năm sau, đâu đó lại có một em ngủ quên. Không phải trong phòng thi, mà là ở nhà, khi không sự kèm cặp sát sao của người lớn, hoặc tương tự thế.

Mọi chuyện có đến mức tệ như chúng ta nghĩ không?

Với học sinh, dù mất một năm chờ đợi là điều đáng tiếc, nhưng sự học là cả đời, một bước tạm dừng không thể nào tước đi cơ hội, nhất là với người có lực học được đánh giá tốt như thí sinh nọ.

Qua đi những tiếc nuối ban đầu, em sẽ nhớ lại rằng, trước mỗi kỳ thi, ngoài việc ôn luyện, cha mẹ và thầy cô đều đã nhắc em giữ gìn sức khỏe ra sao. Những lời khuyên không bao giờ thừa thãi.

Em sẽ nhận ra rằng, việc thức đêm ôn bài đến ngày cuối cùng trước khi thi, không quan trọng bằng việc đảm bảo cho một kỳ thi an toàn trước đã.

Nguyên tắc “an toàn trên hết” sẽ là chìa khóa theo em suốt cả quãng đường dài, và nếu có phải dừng lại một năm để thấm thía bài học này, cũng không hề uổng phí.

Ảnh nh họa

 Học giỏi mà thi trượt, người trong cuộc thường cảm thấy thật bất công. Tuy vậy, bình tĩnh lại, em sẽ nhận ra rằng: cần cù là tốt, nhưng quan trọng nhất vẫn là phương pháp hiệu quả, chứ không nhất thiết phải “mài đũng quần” ngày này tháng nọ.

Mai mốt đi làm, em sẽ thấy có rất nhiều người lớn mắc lỗi này. Họ luôn than phiền không có đủ thời gian, hoặc có quá nhiều việc phải làm. Trong khi, vấn đề thực sự của họ nằm ở kỹ năng quản trị thời gian, sắp xếp hợp lý và khả năng tập trung trong công việc.

Nếu người lớn không bàn về sự vô tình của giám thị, chưa chắc em học sinh đã cảm thấy trách móc. Mười tám tuổi, và nhất là ở cái thời mà trẻ con lớn sớm, có thể coi như các em đã trưởng thành. Vậy, hãy nghĩ như một người lớn, một người có trách nhiệm với bản thân: mình làm mình chịu. Đổ lỗi cho hoàn cảnh, đổ lỗi cho người khác là cách dễ nhất để nguôi ngoai. Nhưng đổi lại, ta sẽ không học được gì, không khá lên chút nào sau mỗi lần vấp váp.

Còn người thân, đương nhiên đã nhận ra sự sai lầm hoặc thiếu quyết đoán của mình, khi không kiên quyết bảo vệ sức khỏe của em trước các áp lực học hành thi cử. Nhiều bố mẹ khác cũng có thể nhận ra,  việc kè kè con cái và làm hộ chúng mọi việc, chưa chắc đã hay.

Còn những người làm giáo dục có tâm, cũng sẽ nhận thấy những điều chưa ổn trong cách tổ chức học hành, thi cử.

Vậy nên, thay vì trách móc và đổ lỗi cho nhau, nhẽ ra ta nên cảm ơn, vì nhờ sự ngủ quên của em, mà bao người sực tỉnh./.