'Mỏi mắt' tìm việc làm sau Tết

Hằng năm, cứ sau dịp Tết Nguyên đán, thị trường lao động trở nên nhộn nhịp khi doanh nghiệp tuyển công nhân phục vụ các đơn hàng mới, mở rộng sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên năm nay, do ảnh hưởng dịch COVID-19 đã khiến cho tình hình tuyển dụng lao động sau

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Người lao động khó khăn khi tìm việc làm sau Tết (ảnh nh họa)

Hơn 9h sáng, tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (địa chỉ 215 Trung Kính, Hà Nội), tập trung khá đông người lao động đến làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp, còn người đến tìm việc thì chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Anh Vũ Ngọc Dũng (Đông Anh, Hà Nội) tâm sự, dù có thâm niên 16 năm trong ngành du lịch, song dịch COVID-19 cũng khiến anh lâm vào cảnh thất nghiệp: “Công ty cũ của bọn anh liên quan đến ngành du lịch, ảnh hưởng từ tháng 3 năm ngoái rồi, không có việc làm nên bọn anh nghỉ. Vừa rồi anh cũng tìm việc ở một số công ty nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 này nên cũng khó tìm việc lắm. Anh muốn công việc có mức lương bình quân khoảng 7-10 triệu”

Tương tự anh Dũng, anh Nguyễn Anh Đức (Đông Anh, Hà Nội) bộc bạch, anh đã có 6 lần tới Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội để khai báo việc làm, nhận bảo hiểm thất nghiệp. Dù có kinh nghiệm hơn 9 năm làm phụ bếp trong khách sạn lớn ở Hà Nội, nhưng vì dịch bệnh nên anh Đức vẫn gặp khó khăn khi tìm việc làm mới: “Vì nghề của mình là nghề nấu ăn, nghề dịch vụ nên tìm việc cũng khó, các cửa hàng, nhà hàng, khách sạn có hoạt động đâu. Mình cũng xin vào mấy nơi rồi nhưng họ chưa hoạt động, chưa có khách nên chưa tuyển nhiều”.

Báo cáo nhanh từ Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội, nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp có xu hướng tăng nhẹ so với cùng kỳ 2020, đặc biệt lao động phổ thông chiếm trên 50%. Nhu cầu nhân lực tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử, điện thoại. Tiếp đến là lĩnh vực dệt may, cơ khí; thương mại - dịch vụ, tài chính (kế toán)….

Dù nhu cầu tuyển dụng có tăng, song người lao động vẫn khó có thể tìm được việc làm ưng ý. Liên quan đến vấn đề này, bà Vũ Thị Thanh Liễu, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội lý giải: “Hiện nay, theo tổng hợp nhu cầu tuyển dụng thì phần lớn các doanh nghiệp lại muốn tuyển lao động phổ thông. Trong khi đó, lực lượng lao động mất việc, muốn đi tìm việc làm thì lại có trình độ cao. Chính vì vậy, khâu kết nối, tỷ lệ trúng tuyển còn chưa cao như mong muốn, vì tỷ lệ cung cầu còn đang lệch nhau”.

Ngoài ra, cũng theo bà Liễu, hầu hết người lao động đều mong muốn có được công việc giống với ngành đào tạo, có mức lương cao, gần nhà,… Đây cũng là nguyên nhân khiến họ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm.

Để giúp người lao động nắm bắt kịp thời các thông tin về nhu cầu tuyển lao động của các doanh nghiệp, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã tích cực tổ chức các phiên giao dịch việc làm hàng ngày, người lao động có thể trực tiếp trao đổi với doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng mà không thông qua bất kỳ  khâu trung gian nào.

Bên cạnh đó, Trung tâm cũng đẩy mạnh các hoạt động tư vấn giới thiệu việc làm bằng hình thức gián tiếp, phù hợp như tư vấn qua điện thoại, đăng tải thông tin trên website, facebook, fanpage...

Đối với người lao động đang tìm kiếm việc làm trong thời gian này, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Thị Thanh Liễu đưa ra lời khuyên: “Người lao động nên chủ động, mình có thể chấp nhận môi trường làm việc mới, dù mức lương không cao như công việc cũ đã làm nhưng khi mình chứng nh được khả năng làm việc của mình thì doanh nghiệp sẽ sắn sàng tăng lương”

Với mục tiêu đề ra trong năm 2021 giải quyết việc làm mới cho 160.000 lao động trên địa bàn Hà Nội, thời gian tới, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội sẽ tham mưu với Sở Lao động- Thương binh và Xã hội Hà Nội tiếp tục tổ chức các phiên giao dịch việc làm hằng ngày; tăng cường tổ chức các phiên chuyên đề phù hợp, các phiên online, các phiên lưu động để hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp, người lao động trên địa bàn, để người lao động có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp.

---

Mời các bạn nghe nội dung đầy đủ của chuyên mục Nhật ký đô thị tại đây: