Mở cánh cửa ra thế giới từ cái nắm tay của nữ võ sư

Ở lớp võ Aikido đặc biệt tại quận 3 (TP.HCM) dành cho trẻ khiếm thị, tự kỷ và thiểu năng trí tuệ, bằng sự nhẫn nại và nụ cười, nữ võ sư 75 tuổi, đang từng ngày mở ra cánh cửa kết nối trẻ em thiệt thòi với thế giới xung quanh, và thắp lên nơi cha mẹ các em niềm hy vọng.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Aikido là môn võ thiên về tự vệ, chú trọng lễ nghĩa, hoà hợp. Bởi thế, võ sư Thanh Loan không chỉ truyền cho các em tinh thần thể thao, mà đó còn là những bài học chiến thắng bản thân mình.

"Em gọi bà. Em đánh vần. Ô - ngờ - ông. A - bờ a ba huyền Bà. Em gọi Cô. Em gọi Thầy. Ô-Cờ ô Cô -

Ây - Thờ ây thây huyền Thầy... Cô - Thầy

Hoan hô, Quá giỏi rồi"

Phú, 24 tuổi. Cao lớn và khôi ngô. Nhưng đang tập đánh vần những chữ cái đầu tiên...

Bố của Phú, ông Bình đã gần 60, tuần 2 buổi theo đứa con trai tự kỷ đến lớp Võ Aikido của bà giáo Loan. Cũng từ đây, suốt gần 7 năm qua, ông đồng hành với con mình, lúc thì lau những giọt mồ hôi cho con; khi thắt lại chiếc đai nhỏ và thậm chí làm cả đồng môn của con.

Bố của Phú, ông Bình đã gần 60, tuần 2 buổi theo đứa con trai tự kỷ đến lớp Võ Aikido của bà giáo Loan.

"Gia đình phát hiện cháu bị từ hồi 6 tuổi. Cháu bị tự kỷ bẩm sinh. Hành vi tiêu cực càng ngày càng nhiều. Trước khi đến với lớp cô Loan, cháu phải uống thuốc rất nhiều, một ngày 3 cữ để khống chế chống trầm cảm, an thần...Ban đầu không ai chạm tay được, nhưng với cô, thầy và các tình nguyện viên, dần dần cháu tiếp xúc được và cho đến bây giờ là cả một quá trình dài", ông Bình nói.

Khoảnh sân nhỏ ở Trung tâm Thể dục Thể thao quận 3 là nơi Võ sư Thanh Loan luyện tập cùng các học trò đặc biệt. Bà luôn đến sớm, chỉn chu trong bộ võ phục. Sự xuất hiện của bà làm cho các em rạng rỡ hơn bởi những bài hát vui nhộn, những câu tập đánh vần trước khi hướng dẫn từng động tác. 

"Năm 2005, năm đó tôi đang là Trưởng bộ môn Aikido quận 3, Sở Thể dục thể thao thành phố Hồ Chí Minh thành lập Hội võ thuật người khiếm thị, Sở mới mời tôi về làm Trưởng ban chuyên môn Aikido Hội võ thuật người khiếm thị. Đó là cái duyên của tôi đến với những em có phận đời đặc biệt này. Từ đó đến nay đã 17 năm. Số lượng học trò của tôi trên dưới 100 người", Võ sư Nguyễn Thanh Loan, môn Aikido - 7 đẳng chia sẻ.

Hiếm có lớp học nào mà bà giáo già phải đi uốn nắn, dỗ dành, động viên từng em học sinh đã ở vào độ tuổi đáng lẽ đã tự lo được cho cuộc sống của mình. 

Có em đang tập luyện bỗng dưng bỏ giữa chừng, cáu gắt, bất hợp tác, rồi khóc, rồi khó chịu, đòi cô phải ôm vào lòng.

Nhưng bàn tay người võ sư ấy lại nhẹ nhàng nắm lấy tay các em để động viên: "Bây giờ trong lớp tôi phụ huynh và thầy cô cũng như là các cháu đều là một gia đình. Cho nên tôi có một slogan là “Aikido - My Faly - Aikido - Gia đình tôi”. Và các em ở đây đối xử với nhau như một nhà".

Nguyễn Phước Linh, khiếm thị, theo học Aikido với cô giáo Loan từ lúc 15 tuổi. Từ bước chân đầu tiên lắng nghe từng hiệu lệnh, sau 16 năm, Linh trở thành người trợ giảng đắc lực của cô Loan:

Đối với học trò khiếm thị, cô phải nói nhiều hơn. Cô vừa nói, cô vừa hành động và chỉ từng bước, từng bước một. Học trò khác, thì cô chỉ đánh mẫu cho họ nhìn thôi. Còn đối với em, thì cô chỉ tay từng bước, nắm tay, bước lên, để em cảm nhận được từ đầu tới cuối... Với người khác, một đòn chỉ học 15 phút, còn với em, một đòn cô phải dạy 45 phút.

"Nếu chỉ dạy giáo án chung cho một lớp học thì không thể nào mình truyền tải được và không thể nào các em theo được. Ví dụ như có em 10 lần là làm được, nhưng có em 100 lần, có em 1000 lần mới làm được".

Aikido là môn võ thiên về tự vệ, chú trọng lễ nghĩa, hoà hợp. Bởi thế, võ sư Thanh Loan không chỉ truyền cho các em tinh thần thể thao, mà đó còn là những bài học chiến thắng bản thân mình.