Mất an toàn khi xe cá nhân vận tải khách 'chui' trong mùa dịch

Việc xe cá nhân sử dụng mạng xã hội để kết nối vận chuyển hành khách trong dịp giãn cách xã hội tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Ảnh nh họa - Tiền Phong

Từ 1/4, thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã có công văn yêu cầu dừng mọi hoạt động vận chuyển của các tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh, nội tỉnh, xe hợp đồng, du lịch, xe taxi, xe buýt tại các tỉnh, thành phố trong cả nước. Tuy vậy, thông qua mạng xã hội, hành khách vẫn dễ dàng tìm một chiếc xe sẵn sàng phục vụ nhu cầu của hành khách.

Trước cổng Bệnh viện Nội tiết Trung ương 2 (Ngọc Hồi, Thanh Trì, Hà Nội), hàng chục chiếc xe 4 chỗ đỗ sẵn bên kia đường. Khi biết khách có nhu cầu tìm thuê xe chở người bệnh xuất viện, một thanh niên nhanh nhảu tiến đến đặt vấn đề:

Nhà xe: Mình đi về đâu?

Hành khách: Tôi về Thường Tín.

Nhà xe: Anh đi xe gia đình nhé. Em gọi thằng em ra chở. Anh đi mấy người?

Hành khách: 2 người. 

Nhà xe: Tùy anh, đi xe ôm hoặc đi xe gia đình. Lúc nào ra đây gặp em ở đây em gọi xe cho. Thường Tín thì cứ 10 nghìn 1 cây cho dễ, nó bấm đồng hồ cho anh. Lên đồng hồ bao nhiêu anh trả bấy nhiêu.

Hành khách: Nhưng ra kia có sợ chốt kiểm dịch?

Nhà xe: Không, Thường Tín thì sợ gì. Anh ngồi trên xe, xe gia đình họ có kiểm tra đâu mà. Cứ bảo xe thằng em nó chở từ viện về, chả vấn đề gì. Xe gia đình, xe không mào không bao giờ bị hỏi đâu. Đây em chở suốt mà…

Không chỉ xe chở bệnh nhân xuất viện, trên mạng xã hội cũng xuất hiện nhiều nhóm zalo, facebook “xe sân bay”, “xe đi tỉnh” sẵn sàng phục vụ nhu cầu của hành khách 24/24.

Anh Nguyễn Minh Đức, một tài xế xe gia đình lâu năm cho biết, có những nhóm chạy xe hợp đồng, có những group có đến 500-1.000 thành viên, chủ yếu là lái xe, hoạt động suốt ngày đêm. Khi hành khách có nhu cầu đặt xe với một thành viên, nếu tài xế không chạy sẽ đẩy lên nhóm: "Bởi vì quan trọng nhất bây giờ dịch vụ taxi không có, mà lượng người di chuyển vẫn rất nhiều, về quê các tỉnh vẫn rất đông cho nên phương tiện đó người ta vẫn đặt xe. Ví dụ, người ta gọi xe không mào chẳng hạn, thì người ta vẫn đi bình thường mà".

Không chỉ trên các nhóm kín, mạng xã hội, chỉ cần search mạng “xe đi tỉnh”, chỉ 0,46 giây đã cho ra 123 triệu kết quả. Gọi thử một số máy niêm yết trên mạng, nhu cầu của khách đã được đáp ứng dễ dàng:

Nhà xe: Mình đi đâu, xe bao nhiêu chỗ nhỉ?

Hành khách: Xe 4 chỗ, tôi đi Thái Nguyên

Nhà xe: Vâng cả đi cả về hay như nào? Bao giờ mình đi ạ?

Hành khách: Nếu đi thì chiều nay đi, đi 1 chiều.

Nhà xe: Đón anh ở đâu, em báo giá cho?

Hành khách: Đón tại Hai Bà Trưng.

Nhà xe: Bên em trọn gói đi Thái Nguyên là 750 nghìn,

Hành khách: Cái này có lo ngại họ kiểm tra phát hiện mình chở hành khách rồi bắt quay lại thì sao?

Nhà xe: Không, có khai báo y tế thôi, xe mình là xe tư nhân mà…

Việc xe cá nhân sử dụng mạng xã hội để kết nối vận chuyển hành khách trong dịp giãn cách xã hội tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch. Mặc dù vậy, lực lượng chức năng cũng rất khó phát hiện, xử lý, bởi các phương tiện này không có mào taxi, không có dấu hiệu nhận biết xe kinh doanh vận tải.

Về điều này, thiếu tá Phạm Văn Chiến, Đội trưởng Đội CSGT số 6, Phòng CSGT, Công an TP. Hà Nội cho biết: "Những xe trá hình này thường không có logo, đôi khi người ta cũng đã chuẩn bị câu trả lời lực lượng chức năng khi có kiểm tra. KhiCũng có sự phối hợp giữa tài xế và những hành khách trên xe nói đây là người nhà, khi lực lượng chức năng hỏi, hoặc chúng tôi trong gia đình hoặc đưa người đi cấp cứu nên rất khó làm rõ".

Hành khách có nhu cầu, chủ phương tiện dù không đăng ký kinh doanh thông qua mạng xã hội để kết nối vẫn vận chuyển hành khách có thu tiền, trong khi cơ quan quản lý lúng túng, khiến dịch vụ vận chuyển hành khách vẫn tồn tại và phát triển. 

---

Quý thính giả của VOVGT có thể lắng nghe trao đổi giữa phóng viên VOVGT với các vị khách mời:  Thạc sĩ Vũ Anh Tuấn, Giảng viên Trường Đại học GTVT và ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô VN trong chương trình Diễn đàn 91, với chủ đề:  Tạm cấm xe dịch vụ chở khách để phòng chống dịch, xe hợp đồng dưới 9 chỗ quản lý thế nào?