Lưu thông theo kiểu a dua: Sai một li đi một dặm

Có thể thấy rất rõ là mỗi khi ùn tắc giao thông, rất nhiều người điều khiển xe xé làn, leo lề, phóng xe, bất chấp dưới lòng đường hàng dài xe cộ đang kiên nhẫn chờ đợi.

Nghe nội dung chi tiết tại đây: 

 
Ảnh nh họa

Có lẽ, câu chuyện giao thông bi hài nhất trong dịp nghỉ lễ vừa qua là một chiếc sedan bị chạm gầm khi cố gắng tìm đường tắt để tránh kẹt xe trên đèo. 

Có hai điểm tài xế này không để ý: Thứ nhất, địa hình lối tắt đó nằm ở cao nguyên, thứ hai, các xe đi trước “mở đường” đều là xe gầm cao dạng bán tải. Chưa kể tài xế đã mạo hiểm khi không thông thuộc địa lý mà đánh lái kiểu “hùa theo xe phía trước”.

Hệ quả, chiếc sedan gầm thấp bị kẹt giữa một đống đất đá cao, và vô tình biến lối đi tắt này trở thành một điểm kẹt xe nữa, bên cạnh tuyến quốc lộ chính. 

Đúng nghĩa của thành ngữ “sai một li đi một dặm”!

Câu chuyện này khá giống với tình huống một xe tải biển Hà Nội do đi đường tắt trên địa bàn tỉnh Lào Cai vốn chỉ dành cho xe máy. Chiếc xe bị kẹt ở ngay đường ray tàu hỏa và buộc 2 đoàn tàu phải dừng khẩn cấp để chờ giải phóng đường.

Kịch bản tương tự cũng có thể tìm gặp ở hầu khắp các ngã tư, ngã năm. Giữa các pha đèn có một khoảng trống ở nút giao, lúc này, ở hướng đang dừng chờ, chỉ cần 1 xe vọt lên chiếm khoảng trống đó, lập tức cả đoàn xe máy sẽ nhào lên vượt đèn đỏ. 

Cái đuôi của dòng phương tiện càng dài, nguy cơ ùn tắc càng cao khi các hướng khác bắt đầu tiến vào ngã tư và gây xung đột luồng tuyến. Kể cả khi vượt đèn đỏ nhằm đi nhanh hơn, các phương tiện này vẫn phải về nhà muộn hơn, thậm chí nếu không may, có thể xảy ra va quệt, tai nạn.

Chúng ta đã nói rất nhiều về văn hóa giao thông, về kỷ luật lưu thông, tính nhường nhịn và sẵn sàng xếp hàng, không lấn làn, leo vỉa hè. Nhưng có vẻ vẫn còn một bộ phận người tham gia giao thông chưa biết và hiểu về hậu quả của thói a dua theo những hành vi đi sai luật.