Lưu thông cuối năm: Một sự nhịn là chín sự lành

Không riêng va chạm giao thông, mọi “va chạm” khác trong đời sống hàng ngày đều cần ở mỗi người sự nhường nhịn, điềm tĩnh nếu muốn hóa giải thành công.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Ảnh nh họa

Đông đúc, chật chội là cảm nhận chung của mọi người khi di chuyển trên đường những ngày cuối năm. Va chạm, sự cố cũng dễ xảy ra hơn.

Nếu không giữ được bình tĩnh, từ va chạm nhỏ có thể bùng phát bạo lực giao thông. Hình ảnh trên cao tốc Hà Nội-Hải Phòng gần đây là ví dụ, khi tài xế xe bán tải xin vượt không được, đã nhấn ga chặn đầu xe phía trước, rồi đập cửa, uy hiếp người khác. Hay vụ tranh chấp nơi đỗ xe ở quận Đống Đa, Hà Nội, một quan chức đã bị đình chỉ chức vụ vì hành hung hàng xóm.

Điểm chung các vụ việc là người trong cuộc không kiểm soát được cảm xúc, thiếu kinh nghiệm xử lý khi bị khiêu khích. Dĩ nhiên, các tình huống trên đường rất đa dạng và khó lường, không có cẩm nang chung nào hóa giải hết được, song cũng có một số kỹ năng cơ bản được nhiều người áp dụng.

Khi xảy ra mâu thuẫn, va chạm, bạn không nên bỏ trốn khỏi hiện trường, hãy xuống xe kiểm tra tình trạng người bị va chạm và hỗ trợ nếu cần thiết. Thái độ ban đầu rất quan trọng để giải quyết mâu thuẫn. Còn nếu đối phương bỏ chạy, cũng không nên liều lĩnh đuổi theo, tốt nhất là báo cho lực lượng chức năng.

Bạn cũng không nên tranh luận trong trạng thái cả hai bên đang ức chế. Nếu phần lỗi của bạn, nên nhẹ nhàng xin lỗi và đàm phán bồi thường. Ngược lại, cần phân tích theo Luật giao thông đường bộ hoặc nhờ lực lượng chức năng phân xử.

Trường hợp gặp đối phương hung hãn, có nguy cơ bị tấn công, hãy lựa chọn phương án an toàn nhất, đúng sai hạ hồi phân giải.

Và cũng không riêng va chạm giao thông, mọi “va chạm” khác trong đời sống hàng ngày đều cần ở mỗi người sự nhường nhịn, điềm tĩnh nếu muốn hóa giải thành công.