Lưu thông an toàn “mùa tiệc rượu” cuối năm

Những ngày cuối năm này, không khí tổng kết diễn ra rầm rộ ở hầu khắp các tổ chức, đơn vị, hội nhóm. Sau những bản báo cáo, phát biểu, khen thưởng, tặng quà, thường sẽ là những buổi liên hoan tất niên.

Kể cả khi không phải là người quảng giao, bạn cũng có thể nhận ít nhất 3-4 lời mời liên hoan rất khó từ chối. Gia đình, họ hàng là một; Cơ quan là hai; Tổ chức đoàn thể đang tham gia là ba. Chưa kể hội bạn thân, hay hội lớp cũ.

Đương nhiên, trong hầu khắp các cuộc vui đều có sự hiện diện của đồ uống có cồn. Rượu bia khiến các câu chuyện trở nên cởi mở, sôi nổi hơn. Không ít người gặp căng thẳng quanh năm bởi công việc, thì nhân dịp này hơi quá chén một chút để xả hơi, giảm áp lực.

Vấn đề lúc này trở nên phức tạp hơn. Nhiều người sẽ phải tự hỏi và tự trả lời một số vấn đề trước khi lên đường đi liên hoan. Đi liên hoan thì có uống không? Xác định uống thì có tự lái xe không?

Nếu tự đi xe thì có bản lĩnh để từ chối những lời mời rượu không? Và lỡ uống rồi thì có đủ tỉnh táo để không vi phạm luật giao thông đường bộ không?

Trong nhiều băn khoăn đó, nỗi lo bị xử phạt chỉ nên là lý do cuối cùng được đặt ra để các bạn cân nhắc việc có đi xe cá nhân đến buổi liên hoan. Tất nhiên, các mức phạt hàng chục triệu đồng theo Nghị định 100 phần nào đã mang tính răn đe.

Nhưng số bị xử phạt chỉ chiếm rất ít trong số người thực tế vi phạm nồng độ cồn vẫn ngày ngày lưu thông trên đường.

Ảnh nh họa: AP

Lý do thực sự để chúng ta cân nhắc trước khi đi nhậu nên là vì sự an toàn của bản thân và những người xung quanh. Đó nên là sự thôi thúc từ trong suy nghĩ, nhận thức về một mối nguy cơ cho cộng đồng về việc lái xe sau khi sử dụng rượu bia.

Ngoài việc chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, các quy tắc an toàn giao thông, các bạn cũng hoàn toàn có thể góp một tay vào việc xây dựng những bộ quy tắc ứng xử, những nguyên tắc đi liên hoan trong chính các hội nhóm, cộng đồng nhỏ mà mình tham gia.

Chẳng hạn: kêu gọi các thành viên đến liên hoan bằng taxi, xe công nghệ hoặc xe ghép chuyến; Đưa ra đề xuất từ chối phục vụ đồ uống có cồn cho các thành viên tự lái xe tới bữa tiệc; Nhắc nhở người uống rượu bia không tự lái xe về, thuyết phục họ để người tỉnh táo cầm lái hoăc về bằng taxi.

Những động thái này thoạt đầu sẽ bị phản ứng rất gay gắt từ những người phản đối. Nhưng nếu số đông hình thành được một văn hóa, thói quen như vậy, dần dần mọi người đều sẽ hiểu và chấp hành.

Những người thích uống và đặc biệt là vợ/con/người yêu của họ sẽ cảm thấy yên tâm hơn khi buổi tiệc diễn ra. Sẽ ít hơn những lo lắng, những cuộc điện thoại hỏi thăm nhau đã về nhà tỉnh táo và an toàn chưa khi tàn tiệc.

Sẽ không phải có những điều hối tiếc, những câu cảm thán “giá như” khi điều không may xảy đến liên quan tới nồng độ cồn.

Không quá khi nói rằng, lưu thông an toàn trong mùa tiệc rượu cuối năm không chỉ là một kỹ năng lái xe, đó còn là một kỹ năng sinh tồn.