Lực lượng chi viện làm gì để dập ổ dịch bệnh viện Đà Nẵng?

Lực lượng tinh nhuệ nhất ngành y tế đã được chi viện cho Đà Nẵng nhằm nhanh chóng nâng cao năng lực thu dung, điều trị các bệnh nhân COVID-19 nặng tại đây, góp phần kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Liên quan đến nội dung này, phóng viên VOV Giao thông có cuộc trao đổi với TS.BS Đỗ Ngọc Sơn – Phó trưởng khoa Cấp cứu, bệnh viện Bạch Mai, người có mặt từ rất sớm ở Đà Nẵng để chi viện chống dịch.

Lực lượng tinh nhuệ nhất ngành y tế đã được chi viện cho Đà Nẵng. Ảnh: Bộ Y tế

PV: Thưa bác sĩ, bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng là ổ dịch lớn với nhiều bệnh nhân nặng, nguy kịch, lực lượng chi viện của Bộ Y tế đã làm gì để giảm tải cho điểm nóng này?

TS.BS Đỗ Ngọc Sơn: Cảm giác của tôi khi bước vào bệnh viện Đà Nẵng thì thấy rất ngổn ngang. Những công việc phải làm như một chiến trường và rõ ràng để giải quyết phải tốn rất nhiều công sức.

Chúng tôi cũng khảo sát các bệnh viện dã chiến để xây dựng giảm tải cho bệnh viện Đà Nẵng. Đó là bệnh viện Phổi Đà Nẵng và Trung tâm Y tế Huyện Hòa Vang. Hai bệnh viện này cần phải nâng cấp một cách toàn diện đầu tiên hệ thống hồ sơ cấp cứu.

Ví dụ, để giải quyết các vấn đề điều trị cho bệnh nhân nặng thì hệ thống theo dõi trung tâm, hệ thống camera giám sát, hệ thống khí là những hệ thống cơ bản cần triển khai thì chúng tôi đã đưa ra kiến nghị và cho triển khai ngay lập tức. Trong vòng 2 đến 3 ngày là hệ thống đó đã được hoàn thiện, đảm bảo có thể tiếp nhận được bệnh nhân.

Chúng tôi cũng đề xuất chủ trương xây dựng Trung tâm y tế Hòa Vang thành trung tâm lọc máu cho những bệnh nhân dương tính chuyển ra từ bệnh viện Đà Nẵng. Và chỉ trong 2 ngày thì trung tâm đó hình thành với số máy đầu tiên là 10 máy, sau đó nâng cấp lên 16 máy.

PV: Thực tế đã có một số nhân viên y tế nhiễm SarsCoV2, vậy công tác chống nhiễm khuẩn, lây nhiễm chéo trong các bệnh viện được thực hiện như thế nào, thưa bác sĩ?

TS.BS Đỗ Ngọc Sơn: Công tác chống nhiễm khuẩn là hết sức quan trọng. Chúng tôi có những chuyên gia hàng đầu của Việt Nam vào giúp cho các bệnh viện để hỗ trợ cho đội chống nhiễm khuẩn của bệnh viện.

Trong thời gian rất ngắn, toàn bộ tập thể, nhân viên từ lãnh đạo cho đến bác sĩ, điều dưỡng, đội chống nhiễm khuẩn đều vào cuộc và triển khai một cách đồng bộ. Trong thời gian dưới 1 tuần mà hai bệnh viện đó đã sẵn sàng nhận được bệnh nhân dương tính.

PV: Bác sĩ đánh giá thế nào về hiệu quả của việc trưng dụng và nâng cấp cơ sở y tế thành bệnh viện dã chiến?

TS.BS Đỗ Ngọc Sơn: Số lượng tăng lên như chúng ta đã thấy, Trung tâm y tế Hòa Vang đã nhận tới 90 bệnh nhân, bệnh viện Phổi cũng tiếp nhận 60-70 bệnh nhân. Đó là con số rất lớn, chúng ta có thể thấy hiệu quả của việc triển khai đó.

Ngay cả công tác vận chuyển từ bệnh viện rất lớn của Đà Nẵng sang bệnh viện khác cũng phải đảm bảo an toàn. Một số lượng bệnh nhân lớn như vậy, trong điều kiện, rào cản của dịch bệnh, được giải quyết trong một thời gian ngắn như vậy, tôi nghĩ đó là một thành công lớn.

PV: Cảm ơn bác sĩ!

---

Mời các bạn nghe nội dung đầy đủ của chuyên mục Nhật ký đô thị ngày 19/8 tại đây: