Lúa mì Chicago tiếp tục trái chiều với toàn bộ nhóm nông sản

Kết thúc tuần giao dịch 13/12 – 20/12, sắc xanh chiếm ưu thế trên bảng giá các mặt hàng ngũ cốc và hạt lấy dầu của Sở CBOT.

NÔNG SẢN

Khô đậu tương là mặt hàng dẫn đầu mức tăng của cả nhóm khi đã tăng gần 3.5% trong tuần vừa rồi, lên mức 379.5 USD/tấn Mỹ, cao nhất kể từ đầu tháng 07 đến nay. Ép dầu đậu tương tháng 11 tại Mỹ trong báo cáo của NOPA giảm so với dự đoán của thị trường, dẫn đến nguồn cung khô đậu sụt giảm, cùng với lực mua kỹ thuật ở vùng hỗ trợ 360 là yếu tố chính thúc đẩy giá khô đậu trong tuần vừa rồi.

Mức tăng mạnh của khô đậu, cùng với đơn hàng 132,000 tấn đậu tương Mỹ bán cho Trung Quốc hôm cuối tuần cũng giúp cho giá đậu tương tăng 1.38% trong tuần vừa rồi, lên mức 1285.25 cent/giạ. Mặc dù có thời điểm giá đã tiến sát vùng kháng cự tâm lý 1300, tuy nhiên thời tiết vẫn đang khá thuận lợi ở Brazil khiến cho giá vẫn chưa vượt lên được mốc này.

Áp lực trái chiều với giá khô đậu cùng đà giảm của giá dầu thô và dậu cọ khiên cho dầu đậu tương chỉ tăng nhẹ 0.35%, lên mức 53.88 cent/pound.

Trong khi đó, trái chiều với phần lớn mức tăng của nhóm nông sản, giá lúa mì Chicago tiếp tục giảm 1.31% về mức 775.00 cent/giạ. Bất chấp các số liệu bán hàng tích cực trong báo cáo Export Sales, chỉ số Dollar Index tăng khiến giá lúa mì Mỹ gặp nhiều cạnh tranh, kết hợp với thời tiết thuận lợi cho thu hoạch ở Australia là yếu tố chính gây sức ép lên giá.

Được hỗ trợ lớn nhờ số liệu bán hàng cao nhất niên vụ trong báo cáo Export Sales vừa rồi, cùng với thời tiết bất lợi ở ền bắc Argentina và ền nam Brazil, tuy nhiên mức giảm của lúa mì Chicago cùng áp lực bán ở kháng cự tâm lý 600 khiến cho giá ngô chỉ tăng nhẹ 0.55% lên mức 593.25 cent/giạ trong tuần vừa rồi.

NGUYÊN LIỆU CÔNG NGHIỆP

Diễn biến trái chiều vẫn duy trì trên bảng giá của nhóm nguyên liệu công nghiệp cho tới cuối tuần qua. Sắc xanh quay trở lại thị trường cà phê với giá Arabica tăng gần 1% lên 234.75 cents/pound, còn giá Robusta đã tăng gần 3% lên 2439 USD/tấn. Những lo ngại về nguồn cung cà phê cùng với sự suy yếu của đồng USD đã hỗ trợ giá cà phê tăng trong tuần vừa rồi, tuy nhiên lực mua đã yếu hẳn so với giai đoạn trước đó.

Số liệu xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 11 được công bố cũng không còn quá tiêu cực, và cho thấy tình hình chuỗi cung ứng đã được khắc phục phần nào, tạo điều kiện để gia tăng khối lượng xuất khẩu sau thời gian thu hoạch vào cuối năm nay.

Bên cạnh đó, báo cáo mới nhất của Cơ quan Cung ứng Lương thực Brazil (CONAB) đã gia tăng ước tính sản lượng cà phê của niên vụ 2021/22. Đây đều là những thông tin gây sức ép lên giá cà phê trong tuần này.

Giá bông đóng cửa tuần tăng 1% lên 107.3 cents/pound, đây cũng là tuần thứ hai liên tiếp giá tăng. Các số liệu xuất khẩu được công bố của tuần qua không cải thiện nhiều, tuy nhiên việc đồng bạc xanh mất giá đã khiến cho lực mua tăng mạnh, và đã có lúc giá bông chạm tới 109 cents/pound.

Trái lại, hai mặt hàng đường đóng cửa tuần giảm mạnh với giá đường 11 giảm 3% còn 19.11 cents/pound, giá đường trắng giảm 2.7% còn 498 USD/tấn. Thị trường đường đang được dẫn dắt bởi thị trường dầu thô, bởi nếu giá dầu thô giảm thì nhu cầu sử dụng mía để sản xuất ethanol cũng giảm và sẽ làm gia tăng nguồn cung đường.