Lô hàng tài trợ chống dịch mắc kẹt 6 tháng vì thủ tục: Phải xem xét trách nhiệm các bên liên quan

Thông tin lô hàng Việt kiều tài trợ cho Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chống dịch bị mắc kẹt 6 tháng tại cửa khẩu sân bay, đến nay vẫn chưa lấy ra được đang thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận.

Đáng chú ý đây không phải lần đầu tiên hàng tài trợ bị mặt kẹt tại sân bay. Trước đó, giữa tháng 11/2021, 22.000 lon sữa kiều bào gửi tặng trẻ em TP.HCM cũng hơn một tháng không thể lấy ra. Để xảy ra những vụ việc này, trách nhiệm các Bộ, ngành cần xem xét xử lý ra sao?

PV VOV Giao thông trao đổi với ông Lưu Bình Nhưỡng, nguyên Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội về nội dung này:

PV: Thưa ông, ông có ý kiến như thế nào về vụ việc này?

Ông Lưu Bình Nhưỡng: Đương nhiên anh nào gây ra ách tắc thì anh phải chịu trách nhiệm, bởi vì cái này nó phải được đưa vào trong tình trạng là chống dịch chứ đây không phải là vấn đề thương mại.

Hàng tài trợ lại không nhận được thì đang vướng thủ tục gì và trách nhiệm của anh nào, anh đó phải chịu trách nhiệm và phải bị kiểm điểm.

Thủ tướng đã có quy định rất rõ rồi, kết luận rồi, là tất cả những cái sai phạm trong lĩnh vực phòng, chống dịch đều phải được xem xét và xử lý.

Pháp luật đã quy định trách nhiệm của anh nào, anh ấy thực hiện. Giữa Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đều có quy chế phối hợp rồi. Xem từ vụ này để có chỉ đạo thống nhất, nếu thấy pháp luật chưa ổn thì phải hoàn thiện nó.

 Ảnh nh họa - TTXVN

PV: Để xảy ra tình trạng này, theo ông, trách nhiệm thuộc về Bộ, ngành nào?

Ông Lưu Bình Nhưỡng: Đến ngày hôm nay mới nói ra Quốc hội thì nó đã là một cái hậu quả rồi, thì kiểm điểm lại xem trong toàn bộ quá trình đó thì trách nhiệm của những người, các cơ quan đấy là quyền và trách nhiệm đến đâu, quyền phải đi kèm với các nghĩa vụ, trách nhiệm, thì hiện nay mình xem xét trách nhiệm đó thuộc về ai.

Sau đó xem xét, xử lý trách nhiệm đàng hoàng.

Cứ theo các quy định là trách nhiệm của ai thì người đó bị xử lý. Còn chưa có quy định nào để đảm bảo cho vấn đề này thì phải xem xét cơ quan có trách nhiệm phải tham mưu, nếu anh không tham mưu thì cũng phải chịu trách nhiệm chứ.

PV: Theo ông, làm thế nào để có thể ngăn ngừa, giảm thiểu những vụ việc tương tự?

Ông Lưu Bình Nhưỡng: Rất đơn giản, các cơ quan quản lý nhà nước phải có chỉ đạo rất rõ ràng, cần thiết là phải từ Bộ trưởng trở xuống, rồi các địa phương phải chỉ đạo, đối với Bộ Tài chính phải chỉ đạo Hải quan, rồi Bộ Y tế phải chỉ đạo về các công tác kỹ thuật, kiểm dịch…

Bởi vì trong quản lý cửa khẩu có rất nhiều lực lượng khác nhau, phải xem là trách nhiệm của từng anh để có sự phân công, có sự chỉ đạo.

Nếu các bộ, ngành không quyết được thì phải báo cáo Thủ tướng xem xét trách nhiệm, bởi vì các bộ, ngành và các tổ chức không tự giải quyết được với nhau và có cách hiểu sai về quy định để áp dụng các quy định, cuối cùng loại hàng hóa như thế để chờ.

Lẽ ra phải có ý kiến ngay với Thủ tướng và Ủy ban thường vụ Quốc hội, trực tiếp đứng ra giám sát vấn đề này.

PV: Xin cảm ơn ông.