Liên tiếp cá sấu nghi sổng chuồng: Quy định nào quản lý động vật nguy hiểm?

Chỉ trong vòng 1 tuần, có ít nhất 3 con cá sấu bơi cặp sông, bò vào nhà dân bị phát hiện và vây bắt tại Đồng Tháp, Cà Mau giữa lúc mưa to, ngập lụt… khiến bà con hoảng sợ. Quá trình xác minh ban đầu nghi là do các hộ gia đình nuôi cá sấu đã để sổng chuồng

Cá sấu nghi sổng chuồng bò vào bãi xe khách bị người dân vây bắt tại An Giang. Ảnh: Tiền Phong

Việc quản lý loài động vật hoang dã nguy hiểm này được quy định thế nào? PV VOVGT đã có cuộc trao đổi cùng Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội luật gia TP.HCM.

 

PV: Thưa Luật sư, việc quản lý, nuôi nhốt động vật hoang dã, nguy hiểm như cá sấu được quy định thế nào ạ?

LS Nguyễn Văn Hậu: Điều này được quy định rõ trong Nghị định 06, ngày 22/1/2019 của Chính phủ, quy định về quản lý động, thực vật, rừng nguy cấp, quý hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) tại Việt Nam. 

Cá sấu thuộc về Nhóm I,  danh mục thực vật, động thực vật rừng nguy cấp, quý hiếm cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Việc nuôi cá sấu sẽ đăng ký tại cơ quan CITES của Việt Nam để được cấp mã số và Chi cục Kiểm lâm có trách nhiệm quản lý và kiểm tra. Theo Nghị định số 06/2019, cơ sở nuôi cá sấu phải có chuồng trại phù hợp với đặc tính sinh trưởng của loài vật nuôi trồng: đảm bảo an toàn cho người và vật nuôi, vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh.

Trường hợp cơ sở quản lý không chặt chẽ để cá sấu sổng chuồng, gây thiệt hại cho người khác thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Với các tội như vô ý gây thương tích, tổn hại sức khỏe cho người khác theo Điều 138 Bộ Luật hình sự hiện hành và sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đến 20.000.000 đồng hoặc là phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm, hoặc phạt tù từ một năm đến ba năm.

PV: Tổ chức, cá nhân để cá sấu sổng chuồng, xâm hại nghiêm trọng đến tài sản sinh mạng người khác sẽ phải bồi thường ra sao ạ?

LS Nguyễn Văn Hậu: Theo Quy định Bộ Luật dân sự năm 2015, điều 590 phải bồi thường bao gồm những chi phí trong việc cứu chữa, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất hoặc là bị giảm sút của người bị thiệt hại. Hay là thu nhập của người đó bị mất, bị giảm sút do họ không thể lao động được. Hoặc là chi phí hợp lý về phần thu nhập thực tế bị mất của những người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị.

Nếu người thiệt hại bị mất cả năng lao động, cần phải thường xuyên chăm sóc, và thì bồi thường cả cái việc chăm sóc, điều trị. Pháp luật đã quy định rất rõ điều này.

Ngoài ra, Theo Nghị định 06, trường hợp động thực vật rừng nguy cấp, quý hiếm đe dọa, xâm hại nghiêm trọng đến tài sản sinh mạng người khác thì chúng ta phải áp dụng các biện pháp như là xua đuổi, hạn chế gây tổn thương từ động vật đó. Đồng thời, thông tin ngay cho cơ quan kiểm lâm, UBND xã, cấp huyện…nơi gần nhất.

Trường hợp mà động vật quý hiếm, nguy cấp đe dọa, tấn công trực tiếp tính mạng con người ở ngoài khu rừng đặc dụng, phòng hộ, sau khi chúng ta áp dụng các biện pháp xua đuổi nhưng không có hiệu quả thì Chủ tịch UBND cấp huyện sẽ quyết định chỉ đạo bẫy, bắt, bắn… cá thể động vật đó!

---

Mời các bạn nghe nội dung đầy đủ của chuyên mục Nhật ký đô thị ngày 26/10 tại đây: