Lấp 'khoảng trống pháp lý' về lao động chưa thành niên

Vấn đề bảo vệ trẻ em khi tham gia lao động từ lâu nhận được sự quan tâm của cả xã hội, được quy định trong Bộ Luật lao động cũng như trong các Thông tư, Nghị định kèm theo. Tuy nhiên thời gian qua, vẫn còn một số “khoảng trống pháp lý” khiến quyền trẻ em

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Đây là lý do Bộ LĐTB&XH ban hành Thông tư 09/2020, có hiệu lực từ 15/3/2021, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động chưa thành niên. 

Việc ban hành Thông tư 09/2020 liên quan đến lao động trẻ em là thành công “bước đầu” trong việc hoàn thiện hệ thống pháp lý bảo vệ trẻ em. Ảnh: Báo Pháp luật

“Mình rất nhất trí với những quy định pháp luật và tuân thủ về vấn đề lao động trẻ em. Mong sao nhà nước quan tâm, làm chặt để bảo vệ các em”.

“Tôi ủng hộ việc ban hành quy định mới, bây giờ tôi thấy tình trạng nhiều nơi trẻ em khó khăn, các em thực sự không thể đi học, phải chi các em được tham gia lao động trong điều kiện được bảo vệ, đúng quyền lợi thì sẽ vừa giảm tệ nạn, lại giúp các em”.

Trên đây là ý kiến của đại diện một số cơ sở sản xuất thuộc làng nghề mây tre đan tại huyện Chương Mỹ, Hà Nội về việc cho trẻ em đi lao động. Có thể thấy, người dân nơi đây ủng hộ và kỳ vọng Thông tư 09/2020 sẽ giúp đảm bảo tốt nhất quyền trẻ em, đồng thời giúp chính cơ sở của họ yên tâm hơn khi có nhu cầu tuyển dụng trẻ em đi làm theo thời vụ.

Là cơ quan quản lý nhà nước có nhiệm vụ trực tiếp bảo vệ trẻ em, Cục Trẻ em, Bộ LĐTB&XH bày tỏ sự quan tâm đến việc lấp đầy “khoảng trống pháp lý” của các quy định liên quan đến lao động trẻ em trước đây.

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em nhận định về Thông tư này. “Thông tư này không chỉ bảo vệ lao động chưa thành niên, đặc biệt là lao động dưới 15 tuổi và dưới 13 tuổi, mà nó thực chất là tạo điều kiện an toàn cho những người sử dụng lao động, đặc biệt là sử dụng lao động dưới 13 và dưới 15 tuổi. Thông tư này quy định rất chặt chẽ về rất nhiều vấn đề trước đây không xử lý được, thì bây giờ đã có thể xử lý được, nó tạo điều kiện, bằng chứng để sau này chúng ta có thể thanh tra, kiểm tra, phát hiện kịp thời dấu hiệu vi phạm. Khi có Thông tư này có thể tạm yên tâm về những khoảng trống pháp lý mà trước đây nó đã tồn tại trong rất nhiều năm.”

Ông Nam cũng nhấn mạnh, Thông tư 09/2020 sẽ điều chỉnh tới cả khu vực kinh tế phi chính thức như tổ hợp tác, hợp tác xã... với quy định chặt chẽ trong quá trình kí kết hợp đồng lao động, nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của bên thứ ba như người giám hộ trẻ em nếu có sai phạm xảy ra.

Như vậy, hành lang pháp lý sẽ rộng hơn sau ngày 15/3 tới, tuy nhiên làm sao để áp dụng vào thực tiễn đạt hiệu quả mới là điều đáng mong đợi. Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Ủy viên Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho rằng: “Nó vẫn có rủi ro bởi việc tuyên truyền thông tư 09  này đến với người sử dụng lao động như thế nào để người ta khai báo.

Nếu chúng ta không tuyên truyền về việc sử dụng lao động trẻ em phải ký hợp đồng và phải báo cáo cho Sở LĐTB&XH thì họ sẽ không báo cáo, tình trạng vi phạm giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản đối với người chưa đủ 18 tuổi vẫn diễn ra, và chúng ta cũng không kịp thanh tra hoặc là chúng ta không thanh tra thường xuyên thì nó vẫn dẫn đến tình trạng vi phạm.

Theo quy định của Luật trẻ em thì trẻ em được quyền lên tiếng về vấn đề liên quan đến quyền và nghĩa vụ của mình. Các cháu có thể liên hệ Sở LĐTB&XH hoặc UBND cấp xã, phường, sẽ có cán bộ tại UBND xã, phường, cán bộ phụ trách về trẻ em tiếp nhận việc này.”

Có thể thấy, việc ban hành Thông tư 09/2020 liên quan đến lao động trẻ em là thành công “bước đầu” trong việc hoàn thiện hệ thống pháp lý bảo vệ trẻ em. Tuy nhiên, để thành công toàn diện, bền vững, kéo giảm bạo hành, bóc lột, lạm dụng trẻ em khi lao động, rất cần sự chung tay, lên tiếng của toàn xã hội, sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cơ quan chức năng tại địa phương, để mỗi Thông tư, Nghị định sau khi ban hành sẽ không rơi vào tình trạng “nằm trên bàn giấy”.

---

Mời các bạn nghe nội dung đầy đủ của chuyên mục Nhật ký đô thị tại đây: