Làng bỏ phố về quê

Ngày càng có thêm nhiều "Làng bỏ phố về quê", các bạn kể chuyện mình, sẻ chia kinh nghiệm và nâng đỡ nhau trên một dòng chảy ngược.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

XU HƯỚNG THỜI COVID-19

Dịch bệnh COVID-19 là một trong những lý do chị Hoàng Thị Khánh Huyền rời Hà Nội về quê nhà Nghệ An. Chị là nhân viên đại lý bán vé máy bay nên công việc dừng lại vì dịch.

Vừa ngoài 30 tuổi, vật lộn một mình ngoài thủ đô với 2 cậu con trai, chị Huyền càng muốn trở về quê nương náu. Chỉ mới năm ngoái, khi mới trở về chị loay hoay với rất nhiều câu hỏi: 200m2 đất ở quê làm được gì? Không có vốn đầu tư từ đâu?

Xa nhà lên phố đi học, đi làm, không ai nghĩ rằng chị Huyền có thể trở về, thích nghi được với công việc tay chân vất vả. Nhưng tới hôm nay, người phụ nữ ấy đã vượt qua thử thách, thêm vững vàng với cuộc sống mới.

'Ở ngoài thành phố không có không gian chơi. Về quê thì con mình phát triển tốt có không gian rộng. Dịch bệnh bùng quá mà chỗ này nhà ở trong quê thưa dân cho bạn ấy về quê ăn uống, ngủ nghỉ đúng giờ.

Đồ đạc rau trái tự trồng, về đây sức khỏe tốt hơn. Nuôi gà, nuôi vịt, đi củi, trồng rau cuốc đất làm cỏ, làm chung với người ở quê... Không nghĩ ở ngoài phố về đây làm được nhiều như vậy', chị Huyền tâm sự.

Ảnh nh họa

Cũng giống chị Huyền, dịch bệnh là một trong nhiều lý do bạn Đỗ Thị Ngọc Hân nghỉ công việc làm nhân sự ở TP.HCM về Bến Tre dù đã gắn bó với thành phố này 15 năm.

Chuyển hướng sang làm video kể chuyện về cuộc sống nơi ền Tây, kênh youtube "Bình yên sống" của Hân được hàng chục nghìn người theo dõi dù là "người mới vào nghề".

Hân cho biết: 'Khi dịch xuất hiện năm 2020 cuộc sống xô bồ không còn thích hợp nữa nên quyết tâm về. Cuộc sống ở Sài Gòn tương đối giống nhau nhưng cái quyết định thay đổi dịch lúc đó khá nguy hiểm, Hân làm việc ở nhà khoảng 1 tháng nên xin nghỉ luôn.

Cũng ấp ủ từ lâu nên mình cũng có khu vườn nhỏ trồng cây từ từ. Từ lúc Hân về thu nhập giảm nhưng về đây mình chấp nhận buông bỏ làm thêm youtube thêm thu nhập cuộc sống an nhàn hơn'.

Cách đây 5 năm, anh Nguyễn Văn Nhã ở TP.HCM đã cùng bạn bè lập ra nhóm du lịch, khám phá các vùng đất mới bằng xe đạp như một thú vui, sở thích sau những tuần làm việc căng thẳng. Quyết tâm theo đuổi đam mê, sau đó anh nghỉ việc lên Đà Lạt làm homestay.

Nhưng dịch COVID-19 kéo dài, việc kinh doanh bị chững lại, anh Nhã đã rời phố về rừng khởi nghiệp lại từ đầu ở làng Ma Bó, xã Đa Quyn, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng: Trước kia mình vẫn muốn có nhà bên rừng làm dự án cộng đồng xây dựng lớp học, thư viện cho học sinh. Năm ngoái, dịch tới đó là khoảng thời gian mình cần thay đổi. Mình muốn có cái gì đó riêng, cống hiến nhiều hơn nên đã chọn không ở Sài Gòn nữa. 

Từ khi về làng, anh Nhã xây dựng thư viện cho những đứa trẻ, dạy chúng học chữ, nuôi dưỡng tình yêu với thiên nhiên và vùng đất quê hương. Dịp này chưa tổ chức được tour du lịch, anh kết nối để bán sản phẩm địa phương giúp bà con trong vùng.

Mặc dù các tour du lịch khám phá thiên nhiên, văn hóa bản địa đã chạy thử nghiệm nhưng vẫn đang chờ một ngày phát triển khi dịch lắng xuống. Và dù Đa Quyn không phải là quê hương, nhưng là nơi anh Nhã gắn bó và tìm kiếm được giá trị mình theo đuổi.

Ngày càng có thêm nhiều "Làng bỏ phố về quê" các bạn kể chuyện mình, sẻ chia kinh nghiệm và nâng đỡ nhau trên một dòng chảy ngược. Dù còn nhiều khó khăn, các bạn trẻ đã có cơ hội thử thách mình và nếu thành công có thể giúp đỡ nhiều người khác. 

GIẢI PHÁP KHAI THÁC TIỀM NĂNG

Theo các chuyên gia, bỏ phố về quê là xu hướng tất yếu, cũng là đặc trưng quá trình phát triển đô thị. Dịch bệnh đang thúc đẩy sự gia tăng của xu hướng này. 

Trong khi đó, khu vực nông thôn cũng có nhiều cơ hội cho những bạn trẻ nhanh nhạy và dám thử thách chính mình. Theo chị Mai Thị Thúy Hằng, adn nhóm gồm 20 nghìn thành viên đã lựa chọn về quê sống cho biết, việc dịch chuyển giúp nhiều bạn trẻ có thêm nhiều bài học

‘Về số lượng mỗi năm mỗi đông thêm về chất lượng  nó cũng tốt lên đặc biệt là những bạn về rồi mỗi lần gặp lại mình thấy các bạn trưởng thành hơn rất nhiều. Khi các bạn đã thích nghi được với cuộc sống ở quê có khi còn giúp được những bạn mới về muốn trải nghiệm’, chị Hằng cho biết.

Xu hướng bỏ phố về quê mùa dịch diễn ra ở khắp trên thế giới, không chỉ riêng ở nước ta. Sự dịch chuyển này cũng mang tới nhiều cơ hội cùng thách thức mới. 

Các bạn trẻ có lối sống đô thị, tiếp nhận những tiến bộ khoa học - kỹ thuật có thể mang những điều học được khai thác tiềm năng, thế mạnh của vùng nông thôn. 

Ảnh nh hoạ: Gia Hưng/ GLO

Ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định: 'Ta cứ nhìn nông thôn toàn khó khăn nghèo đói mọi thứ điều kiện không đủ. Chính lớp trẻ quay về nông thôn thì mới làm cho nông thôn phát triển.

Chương trình Nông thôn mới chỉ tạo điều nhất định về hạ tầng. Nông thôn phải có con người có năng lực tái cân bằng lại làm cho vùng nông thôn hấp dẫn hơn’.

Sau đợt dịch này, có người sẽ quay trở lại phố sau một thời gian về quê lánh nạn nhưng nhiều người sẽ chọn ở lại khởi nghiệp. Để phát huy mặt tích cực của sự dịch chuyển này, Tiến sĩ Trần Duy Khanh – Viện trưởng Viện nghiên cứu và đào tạo doanh nhân APEC hiến kế: ‘Trước hết về nông thôn phải có ý tưởng khởi nghiệp ở lĩnh vực gì, phù hợp với điều kiện của mình hay không?

Nếu mô hình làm tốt cùng các cấp hội hỗ trợ. Chính quyền cũng phải có cách nhìn mới, tạo điều kiện các bạn ấy về tạo bộ mặt mới ở nông thôn’.

Ở các nước phát triển, không chỉ ở châu Âu mà cả ở châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, những đô thị làng thịnh hành trở lại. Đó là những đô thị nhỏ vài chục nghìn dân làm nông nghiệp công nghệ cao, sống hài hòa với thiên nhiên.

Lối sống này đang thu hút cả giới trẻ ở các nước đang phát triển, thôi thúc họ nhận ra giá trị của nông nghiệp. Và dịch bệnh tới như một cú huých để biến suy nghĩ thành hành động./.

----

Để tìm hiểu thêm, quý thính giả có thể lắng nghe trao đổi giữa phóng viên VOVGT với các vị khách mời trong Diễn đàn 91 với chủ đề: “Đại dịch COVID, cú huých cho xu hướng rời phố về quê?”, trên VOVGT FM91 lúc 16h đến 17h thứ Bảy, ngày 26/06/2021; với sự tham gia của các vị khách mời: ông Ngô Xuân Liễu - Giám đốc Trung tâm Quốc gia Dịch vụ việc làm và ông Phạm Minh Huân - Chuyên gia lao động việc làm, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.