Làm thế nào để trường nghề thu hút thí sinh?

Với quy định được mở rộng nguồn tuyển từ đối tượng sau tốt nghiệp trung học cơ sở, nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã mạnh dạn đổi mới hướng tuyển sinh để gia tăng cơ hội cạnh tranh trong giai đoạn nước rút hiện nay.

Hiện nhiều trường dạy nghề đã bổ sung, điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh các ngành đào tạo

Ngay sau khi có Thông tư 07 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho phép các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo đối tượng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở liên thông lên cao đẳng, nhiều trường dạy nghề đã bổ sung, điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh các ngành đào tạo. 

Theo Nhà giáo ưu tú Phạm Hữu Lộc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng, muốn chủ động nguồn tuyển lâu dài thì các trường nghề phải giữ uy tín thông qua chất lượng đào tạo: Tuyển sinh là việc sống còn nhưng tuyển sinh vào mà không giữ chân được sinh viên cũng như đào tạo sinh viên chất lượng kém thì sẽ làm mất thương hiệu của nhà trường. 

Để tăng tính cạnh tranh, các cơ sở dạy nghề đã chủ động khai thác các kênh thông tin từ hiện đại đến truyền thống để tiếp cận học sinh các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông trên nhiều tỉnh, thành. Chính việc chủ động mở diễn đàn cung cấp thông tin trên mạng xã hội, trên trang web và trực tiếp tìm hiểu nguyện vọng của thí sinh đã giúp nhà trường chủ động hơn về nguồn tuyển.

Tuy nhiên, thạc sĩ Nguyễn Thị Lý, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức lưu ý thí sinh và phụ huynh cần chọn lựa, tham khảo các kênh thông tin tuyển sinh chính thống để khỏi chọn sai nơi, tránh những tổn thất không đáng có. Thạc sĩ Nguyễn Thị Lý nói: Hiện nay các trường đều đẩy mạnh công tác quảng bá tuyển sinh. Tuy nhiên theo tôi các em học sinh cần chọn lựa ngành nghề phù hợp với năng lực, đặc biệt là nghề đó xã hội đang cần. Nếu học nghề mà xã hội không cần thì khi tốt nghiệp xong các em rất khó kiếm việc. Do đó, việc chọn ngành một phần phải phù hợp với năng lực bản thân, một phần tìm hiểu kỹ kênh thông tin dự báo nguồn nhân lực hiện nay.

Phát hiện và xử lý trường nghề quảng cáo, cung cấp sai thông tin là điều cần thiết. Ảnh nh họa

Trong khi đa phần các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang nỗ lực để chủ động nguồn tuyển và đảm bảo chất lượng đào tạo thì vẫn còn không ít trường trường nghề kém uy tín quảng cáo, cung cấp thông tin sai sự thật về năng lực đào tạo, nguồn lực giảng viên hay cơ sở vật chất, trang thiết bị để thu hút thí sinh. Đến khi phát hiện ra bị lừa dối, nhiều sinh viên phải nghỉ học giữa chừng, gây tổn thất không nhỏ về mặt kinh tế cũng như niềm tin.

Bà Phan Thị Hải Vân, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Vinatex TPHCM cho rằng, sự cạnh tranh thiếu lành mạnh như thế nếu không sớm chấm dứt bằng những biện pháp quyết liệt nhất thì không chỉ người học chịu thiệt mà các cơ sở giáo dục làm việc nghiêm túc cũng bị hệ lụy: Các cơ quan quản lý về giáo dục nghề nghiệp nên có những biện pháp quản lý về việc đảm bảo chất lượng đầu ra của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Nếu chúng ta siết chặt đầu ra và có những biện pháp kiểm tra, thanh tra để giám sát thì việc quảng bá tuyển sinh đầu vào của tất cả cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ tuân thủ đúng và sẽ loại bỏ được những thông tin quảng cáo vượt quá khả năng, năng lực đào tạo.

Chọn đúng ngành, vào đúng trường và được cam kết về chất lượng đào tạo thì tỷ lệ thất nghiệp là mong muốn của mỗi người học. Nhưng đáp ứng được mong mỏi đó, cần có sự tham gia quản lý, giám sát chặt chẽ từ phía cơ quan nhà nước. Đây cũng là một yêu cầu đặt ra để hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp tạo dựng được niềm tin với người học và thị trường lao động.