Làm quen với bếp

Trong thời gian giãn cách theo Chỉ thị 16, hàng quán ở TPHCM dừng bán mang về. Việc này tưởng chừng chỉ ảnh hưởng đến các hộ kinh doanh dịch vụ nhưng thực chất lại là cả vấn đề với những người đã quen “cơm hàng cháo chợ”.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Ảnh nh họa

Chủ đề đang “nóng” trên mạng xã hội mấy ngày nay là những câu chuyện “cười ra nước mắt”, album ảnh “thảm họa vào bếp” được các bạn trẻ thi nhau chia sẻ.

Có bạn sinh viên ở trọ kể rằng cả gia tài bếp núc chỉ có duy nhất cái ấm siêu tốc. Nay muốn sinh tồn, bạn đặt ngay chiếc nồi đa năng chế biến được đủ món chiên, xào, nấu. Ấy vậy mà chưa dùng được bữa nào vì luôn đau đầu với chuyện “hôm nay ăn gì?”.

Có bạn không phân biệt được tính năng của các loại dụng cụ nhà bếp, nên đã có màn rán trứng bằng nồi siêu khét.

Trong hoàn cảnh trớ trêu, nhiều người đành chung sống không mấy vui vẻ với đồ chế biến sẵn, đồ đóng hộp.

Nhân dịp giãn cách này, tại sao chúng ta không tập làm quen với việc bếp núc nhỉ? Kỹ năng nấu nướng tưởng chừng không còn quá cần thiết khi các ứng dụng tiện ích luôn sẵn sàng phục vụ, nhưng lại rất hữu dụng trong hoàn cảnh hiện nay.

Việc nấu ăn cũng cần vận dụng các giác quan khá linh hoạt nên kể cả học nấu món đơn giản bạn cũng đã trau dồi thêm kinh nghiệm hay.

Hãy bắt đầu từ các món đơn giản rồi dần nâng cấp tay nghề. Một vài kỹ năng như: chọn thực phẩm tươi, dùng dụng cụ nhà bếp, sơ chế nguyên liệu… là những bước đầu nên tập thành thạo. Thực hành nhiều lần là cách hiệu quả nhất để nhanh chóng học kỹ năng mới.

Đôi lúc bạn cũng có thể thử biến tấu, sáng tạo với các công thức trong sách vở hoặc video hướng dẫn… Nếu trót nấu một món không như ý đừng vội bỏ cuộc vì công việc này đòi hỏi sự tỉ mỉ và kiên trì.

Biết đâu sau lần giãn cách này, bạn lại có thể trổ tài vào bếp nấu một bữa cơm ấm cúng cho gia đình.