Lãi suất ngân hàng sẽ tiếp tục giảm nhưng có độ trễ

Mới đây tại Kỳ hợp thứ V, QH khóa XV, một số ĐBQH cho rằng mặc dù Chính phủ đã và đang liên tục tung ra các chính sách nới lỏng về tài chính tiền tệ.

Đặc biệt từ tháng 3 đến nay Ngân hàng Nhà nước đã quyết định giảm lãi suất điều hành 3 lần, tuy nhiên hiện lãi suất ngân hàng vẫn neo ở mức cao, khiến DN gặp khó trong việc tiếp cân nguồn vốn.  Vậy chính sách tài chính tiền tệ đã thực sự được nới lỏng, lãi suất liệu có tiếp tục giảm, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn trong bối cảnh hiện nay?

Xung quanh vấn đề này, PV VOV Giao thông đã có cuộc đối thoại với PGS. TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính).

 

PV: Chính sách tài chính tiền tệ mà Chính phủ nỗ lực trong thời gian qua đã thực sự được nới lỏng?

PGS. TS Ngô Trí Long: Mục tiêu của chính sách tài chính tiền tệ là để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô. Ví dụ, chính sách tài chính để tháo gỡ khó khăn cho DN Chính phủ đã giảm thuế và giảm các chi phí khác; còn chính sách về tiền tệ thì chủ yếu là giảm lãi suất, mà Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần giảm lãi suất rồi.

Trong bối cảnh hiện nay thì đây là một trong những điều kiện, yếu tố rất quan trọng giúp cho lãi suất cho vay giảm, tạo điều kiện giảm áp lực tiền vay, bởi vay là chi phí vốn lớn đối với DN. T

uy nhiên vừa qua lãi suất điều hành giảm lần thứ 3 để giúp giảm lãi suất huy động, nhưng lãi suất cho vay chưa thể giảm ngay được vì nó phải có độ trễ.

Ảnh nh họa: Thanh Niên

PV: Chính sách tiền tệ cần đảm bảo các nguyên tắc nào đảm bảo mục tiêu vừa giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì lạm phát ở mức phù hợp vừa thúc đẩy kinh tế phát triển?

PGS. TS Ngô Trí Long: Chính sách tiền tệ là bơm hút tiền sao cho hợp lý, mục tiêu là thúc đẩy tăng trưởng đồng thời kiểm soát lạm phát. Để tăng trưởng thì làm sao phải khuyến khích giảm chi phí cho DN đang có nhu cầu vốn lớn, có nghĩa là phải giảm lãi suất.

Tuy nhiên, bản chất của hoạt động tín dụng là đi vay để cho vay, vì thế nhà nước cần cần tiếp tục chú ý về điều hành lãi suất, lãi suất điều hành không giảm thì lãi suất huy động sẽ không giảm.

Ngoài chính sách điều hành về lãi suất ngân hàng thì còn một kênh nữa là trái phiếu, tuy nhiên trái phiếu hiện đang bị mất niềm tin rất lớn, nên ảnh hưởng đến việc huy động vốn.

Đáng lẽ kênh trái phiếu là một kênh huy động vốn cực kỳ quan trọng sau ngân hàng, thậm chí có thời điểm nó còn quan trọng hơn ngân hàng, nhưng vì trái phiếu “ba không” hoặc “bốn không” dẫn đến mất niềm tin vào thị trường trái phiếu, mà mất niềm tin thì nguồn huy động đó bị ngừng lại hay thị trường chứng khoán cũng không phát huy tác dụng.

Vì lẽ đó tất cả đang tập trung vào ngân hàng, trong bối cảnh hiện nay DN đang gặp rất nhiều khó khăn, việc tiếp cận vốn cũng không hề dễ dàng. Tuy nhiên ngân hàng cũng là một DN, họ muốn cho vay cũng phải có điều kiện tiêu chuẩn, không thể vi phạm tiêu chuẩn được.

Nếu cho vay không đảm bảo tiêu chuẩn sẽ dẫn đến rủi ro lớn cho nhà nước là nợ xấu, đã nợ xấu thì sẽ tác động rất lớn đến hoạt động của nền kinh tế. Cho nên ngân hàng không thể quá nới lỏng được, bởi Ngân hàng nhà nước thanh kiểm tra giám sát rất chặt chẽ về nợ xấu.

PV: Vậy sắp tới mức lãi suất có thể tiếp tục giảm hơn nữa không?

PGS. TS Ngô Trí Long: Lãi suất có giảm hay không phụ thuộc vào ổn định kinh tế vĩ mô, theo quy luật lạm phát như vậy nhưng sao lãi suất huy động vẫn cao hơn, đấy là một vấn đề đang được Chính phủ xử lý.

Nếu kinh tế vĩ mô ổn định, kiểm soát được lạm phát, tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thì chắc chắn lãi suất sẽ còn tiếp tục giảm.

PV: Xin cảm ơn PGS. TS Ngô Trí Long!