Lãi suất cho vay “đắt đỏ”, người mua nhà khó với tới

Sau đợt tăng lãi suất điều hành lần 2 của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất tiền gửi cao nhất tại các ngân hàng thương mại chênh nhau 1 điểm %, kéo theo lãi suất cho vay lên tới 12-13%/năm.

Việc hạn chế tín dụng giải ngân vào lĩnh vực bất động sản khiến nhiều người khó vay vốn mua nhà, nay lại thêm lãi suất cho vay đắt đỏ càng khiến người có nhu cầu thực khó với tới.

Sau nhiều năm tích cóp, cuối năm 2020 gia đình anh Nguyễn Quốc Huy đã quyết định mua trả góp căn hộ hơn 70m2 tại Dự án IEC, Tứ Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội với lãi suất 9%/năm.

Tuy nhiên, theo hợp đồng đã kí với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mức lãi suất này chỉ được ưu đãi trong vòng 1 năm đầu, giờ đây khi khoản vay hết thời gian ưu đãi, anh Huy phải trả lãi theo lãi suất thả nổi của thị trường với biên độ 9+3. Hiện tại, lãi suất đã tăng lên mức 12%/năm, khiến gia đình anh Huy đối mặt với nhiều khó khăn và áp lực trả nợ.

"Nhà tôi mua nhà trong thời điểm dịch, lúc đó lãi suất đang được ưu đãi nên gia đình tôi vẫn có thể đáp ứng được. Sau dịch công ăn việc làm và thu nhập đi xuống, nhưng ngân hàng hết ưu đãi, hiện nay chúng tôi đang phải chịu mức lãi trần rất cao. Điều đó khiến cho cuộc sống gia đình và sinh hoạt gặp áp lực rất lớn", anh Huy cho biết.

Không chỉ anh Huy mà với nhiều người đang vay mua nhà như ngồi trên đống lửa. Bởi so với đầu năm lãi suất cho vay cá nhân của nhiều ngân hàng thương mại đều tăng từ 2-4%/năm, trong đó lãi suất cho vay của các Ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân phổ biến ở mức 12-13% năm.

Dù đã được dự báo nhưng khi lãi suất cho vay tăng nhanh trong thời gian ngắn họ đành phải “thắt lưng buộc bụng” và tìm mọi cách xoay sở trả nợ ngân hàng nhưng vẫn đối mặt với nguy cơ nợ xấu khi thu nhập không đủ trả lãi vay:

"Hiện tại lãi suất lên tầm 12%, lãi suất ngân hàng tăng trong khi các chi phí khác cũng tăng theo, cho nên chúng tôi đang chịu nhiều áp lực từ việc tăng lãi suất này. Thời điểm hiện tại chúng tôi cố gắng tiết kiệm tối đa các chi phí, nhưng tôi cũng không chắc lãi suất này có còn lên nữa không, nếu tiếp tục lên nữa thì quá khó khăn cho chúng tôi, những người đi vay để mua nhà tại thời điểm này".

"Dịch COVID-19 vừa qua, kinh tế chưa ổn, đợt này lại tăng lãi suất nên ảnh hưởng đến kế hoạch trả nợ và chi tiêu của gia đình. Tôi mong muốn Ngân hàng Nhà nước có sự điều chỉnh và giám sát để mức tăng lãi suất hợp lý, giúp cho cuộc sống ổn định hơn".

Ảnh nh họa

Cuối năm thường là thời điểm các ngân hàng rầm rộ tung ra các chương trình ưu đãi lãi suất cho vay mua nhà, mua xe. Tuy nhiên, năm nay do chính sách siết tín dụng vào lĩnh vực bất động sản, nhiều ngân hàng không thể giải ngân vì thiếu room (hạn mức). Vì thế, cơ hội vay mua nhà với nhiều người càng thêm khó, tác động trực tiếp đến dư nợ cho vay của nhiều nhà băng.

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV khẳng định: "Vay mua nhà, sửa nhà là vay trung dài hạn, lãi suất có tác động trong một vài kỳ trả nợ sắp tới chứ không phải lâu dài, vì lâu dài lãi suất có thể thay đổi. Còn muốn cho vay nữa thì bây giờ cũng làm gì có hạn mức tín dụng mà cho vay, phải chờ xem có được cấp hạn mức nữa hay không thì mới cho vay tiếp được. Tất nhiên ngân hàng cũng phải kiểm soát rủi ro tốt hơn, bởi trong bối cảnh lãi suất tăng, tỉ giá tăng thì khả năng trả nợ, nợ xấu tiềm ẩn có thể tăng lên và khả năng trả nợ của khách hàng bị suy giảm".

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, việc tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát cao là xu hướng chung của các nước trên thế giới và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Khi lãi suất huy động tăng tất nhiên lãi suất cho vay sẽ tăng, tuy nhiên điều này ảnh hưởng trực tiếp tới các chính sách an sinh, đặc biệt là người lao động có thu nhập thấp vay mua nhà ở, đồng thời mang tới những quan ngại về tác động tiêu cực tới tăng trưởng và phục hồi kinh tế sau dịch.

"Trong điều kiện lãi suất điều hành tăng, lãi suất huy động tăng, đòi hỏi lãi suất cho vay cố định là hơi khó. Giải pháp là Chính phủ phải cố gắng giảm bớt tác động của lãi suất tăng lên, cố gắng giữ ổn định chứ không thể tăng lên một cách quá cao. Vì thế người đi vay để mua nhà phải lựa thời cơ thôi", chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho biết.

Chuyên gia Ngô Trí Long cũng phân tích thêm, trong bối cảnh thắt chặt room tín dụng vào bất động sản, nguồn cung nhà ở thương mại và nhà thu nhập thấp hạn chế, lãi suất cho vay tăng cao, người dân cần phải thực hành tiêu dùng thông nh.

Tức là có thể lựa chọn phương án thuê nhà thay vì mua nhà với lãi suất cao ở thời điềm này. Và nếu vay mua nhà thì phải lên kế hoạch kỹ lưỡng và hợp lý để trả lãi và gốc, tránh tạo ra gánh nặng tài chính và áp lực cho cuộc sống./.