Kiểm soát tốc độ 24/24h để tránh tai nạn trên cao tốc

Gần đây trên các phương tiện truyền thông liên tục thông tin tình trạng tai nạn giao thông trên các tuyến cao tốc Bắc – Nam, gây thương vong về người, hư hại phương tiện nghiêm trọng. Và hiện còn nhiều bất cập trên cao tốc cũng gây ra hiểm họa tiềm ẩn dẫn đến tai nạn.

Phóng viên VOV Giao thông đã theo chân các chiến sĩ cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ trên cao tốc Dầu Giây –Phan Thiết, Phan Thiết –Vĩnh Hảo để tìm hiểu thêm nguyên nhân.

Vào lúc 0 giờ ngày 13/3, tại Km số 0 cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết, Đội tuần tra kiểm soát số 6, Phòng 6 – Cục Cảnh sát Giao thông bố trí chốt kiểm soát tốc độ đối với hàng loạt phương tiện. Khung giờ từ 23 giờ  -  4h sáng ngày hôm sau gần như là cao điểm của những binh đoàn xe khách, xe container, xe tải chạy nườm nượp trên cao tốc, những chiếc xe chạy với tốc độ 90-120 km/h, giữa đêm với tốc độ xé gió cần đảm bảo độ an toàn, tài xế phải tỉnh táo để xử lý để tránh gây tai nạn. 

Song, sau 1 năm đưa vào hoạt động cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây đã xảy ra gần 100 vụ tai nạn, va chạm giao thông làm 7 người thương vong. Trong số các vụ tai nạn trên cao tốc này, nhiều trường hợp có liên quan đến người đi bộ, xe máy, xe đạp... Vì vậy, chuyên đề kiểm tra tốc độ, và tuần tra kiểm soát 24/24 trên cao tốc được đề ra nhằm giảm thiểu tai nạn. 


Ghi nhận tại buổi làm việc cùng các chiến sĩ CSGT, tổ công tác chưa đầy 1 giờ đã kiểm tra xử lý 6 phương tiện vi phạm tốc độ. Một số tài xế chủ quan nghĩ rằng không có lực lượng chức năng, đêm khuya nên tranh thủ đạp ga vượt 10-20%, song khi bị dừng lại kiểm tra và bị xử phạt mới bất ngờ có chuyên đề kiểm tra tốc độ.

Tài xế xe khách đường dài Trà Thành Long chạy tuyến Quảng Ngãi –TP.HCM đã vượt 110km/90 bị xử phạt thu bằng lái từ 1-3 tháng. 

Tài xế Long phân bua: “Xe trống đường trống nên mới chạy vầy chứ đâu có nghĩ vậy đâu. Anh có biết rằng có chuyên đề bắn tốc độ từ đây đến hết năm ? Tôi cũng không biết nữa”

Ngay sau đó cán bộ xử lý thông báo lỗi vi phạm và yêu cầu tài xế chấp hành và ký vào biên bản: “Theo Nghị định 100 sửa đổi tại Nghị định 123 năm 2021 lỗi này tước giấy phép lái xe 1-3 tháng, anh ký tên vào biên bản” 

Kiểm soát tốc độ 24/24 để tránh tai nạn trên cao tốc

Tương tự, tài xế Trần Văn Hòa đi từ hướng Vĩnh Hảo vào Phan Thiết đã chạy 97/ 90km/h bị dừng lại kiểm tra xử lý. Tài xế nghĩ rằng cứ cao tốc chạy tầm 90-100 km/h là chuẩn và không quan sát trên đường có biển báo giới hạn tốc độ nên bất ngờ khi bị xử phạt. 

Tài xế Hòa thanh nh: “Thường cao tốc quy định chạy trên 90km, khung khoảng 80-120 km/h mới gọi là cao tốc, còn đây xe con (ô tô) chạy dưới 90 thì đường này chưa gọi là cao tốc. Tôi không có thấy biển báo giới hạn tốc độ tối đa nên không biết cao tốc Vĩnh Hảo  - Phan Thiết chạy được bao nhiêu km, nên vượt 7km. Nếu biết thì mình thủ liền chứ đâu có vầy….” 

Theo ông Lê Hùng Cường, Phó trưởng Trung tâm điều hành đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết (VEC E),  gần 1 năm đưa vào hoạt động tạm đến nay đã ghi nhận 5,3 triệu lượt xe (bình quân hơn 17.000 lượt xe/ngày) đi qua tuyến cao tốc này. Lưu lượng cao nhất được ghi nhận vào ngày 13/2/2024 với 37,500 lượt xe/ngày đêm ; có 400 lượt phương tiện hư hỏng dừng, đỗ trên cao tốc Dầu Giây- Phan Thiết. VEC E đã phát hiện, ngăn chặn 500 trường hợp xe máy, xe đạp và người đi bộ cố tình vượt chốt trực lưu thông vào cao tốc. 

Ông Cường khuyến nghị: “Hiện nay thì tốc độ lưu hành tối đa cho phép các phương tiện tham gia giao thông trên tuyến là 120km/h mét trên giờ. Vì vậy, chúng tôi khuyến nghị người điều khiển phương tiện tham gia giao thông trên tuyến cần giữ khoảng cách an toàn giữa các xe, đề phòng trường hợp xảy ra sự cố bất ngờ thì có đủ thời gian để xử lý.

Trên tuyến có đặt một trạm thu phí và triển khai dịch vụ thu phí tự động không dừng. Vì vậy, khuyến cáo đến các chủ phương tiện cần gắn thẻ đầu cuối trước khi vào đường cao tốc, đồng thời kiểm tra số dư trong tài khoản để tránh không đủ điều kiện qua trạm làm ùn ứ khu vực trạm thu phí. Ngoài ra, ở góc độ là đơn vị quản lý vận hành khai thác trên tuyến thì chúng tôi  kiến nghị các cấp có thẩm quyền sớm chấp thuận đưa tuyến vào khai thác chính thức để đảm bảo an toàn giao thông cho các phương tiện khi lưu thông ở trên tuyến”. 


Theo Trung tá Phạm Xuân Lập, Phó đội trưởng Đội tuần tra kiểm soát cao tốc số 6, Phòng 6 – cục CSGT, thời gian qua các vụ tai nạn trên 2 tuyến cao tốc Vĩnh Hảo Phan Thiết và Phan Thiết Dầu Giây thường xảy ra vào ban đêm. Có thể một phần do chủ phương tiện, tài xế chạy quá tốc độ vụ định, hoặc buồn ngủ nên dẫn đến các vụ tai nạn nghiêm trọng chết người. 

Kế hoạch sắp tới của các tổ công tác sẽ cố gắng tuần lưu, tuyên truyền người dân biết các khung giờ để hạn chế các vụ va chạm trên tuyến: “Thực hiện chuyên đề tập trung và xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông như nồng độ cồn, xe ô tô chạy quá tốc độ, quá tải, cơi nới thành thùng là nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông. Và tập trung tuần lưu, xử lý vi phạm vào ban đêm, nhắc nhở và xử lý các phương tiện dừng đỗ trên đường cao tốc, tuyên truyền cho người có cái hành vi dừng đỗ cũng như vi phạm để hạn chế tai nạn giao thông có thể xảy ra trên tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây” 

Có thêm cao tốc, cơ sở hạ tầng giao thông nối liền các vùng ền, địa phương là điều kiện để rút ngắn thời gian đi lại của bà con. Đồng thời, đây cũng là động lực cho phát triển kinh thế, giao thương hàng hóa thuận lợi.

Song, những tuyến cao tốc đang chờ đưa vào hoạt động đang còn nhiều bất cập chưa được đưa vào chính thức, việc đi lại cần phải tuân thủ pháp luật chấp hành an toàn giao thông. Đặc biệt, tuân thủ tốc độ là cách tốt nhất để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người lưu thông trên cao tốc.