Không thể để bệnh nhân phải thở máy vì hết thuốc giải độc

Trước tình hình các cơ sở y tế tại TP.HCM đã hết các loại thuốc biệt dược để sử dụng trong tình huống khẩn cấp cứu người, nhiều chuyên gia cho rằng cần phải xây dựng một kho thuốc quý-hiếm để dự phòng để tránh bị động, vì tính mạng con người là trên hết.

Như VOV Giao thông đã đưa tin, vừa qua tại TP.HCM đã xảy ra liên tiếp 2 vụ ngộ độc Botulinum do ăn chả giò bán dạo và mắm để lâu ngày. Điều đáng nói, cả nước chỉ còn 2 lọ thuốc giải độc và được dùng cho chùm ca 3 bệnh nhi, đến 3 ca người lớn thì hết thuốc, bác sĩ phải điều trị duy trì hỗ trợ bằng phương pháp thở máy.

Hiện tại mặc dù với sự hỗ trợ kịp thời của WHO, 6 lọ thuốc giải độc botulinum được gửi từ kho tại Thụy Sĩ đã về đến tpHCM, nhưng qua hơn 1 tuần thở máy, 1 người đàn ông 45 tuổi điều trị tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định đã ngưng tim tử vong, không kịp dùng thuốc giải.

Trước tình hình các cơ sở y tế tại TP.HCM đã hết các loại thuốc biệt dược để sử dụng trong tình huống khẩn cấp cứu người, nhiều chuyên gia cho rằng cần phải xây dựng một kho thuốc quý-hiếm để dự phòng để tránh bị động, vì tính mạng con người là trên hết.

Cần phải xây dựng một kho thuốc quý-hiếm để dự phòng để tránh bị động, vì tính mạng con người là trên hết.

PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM về vấn đề này.         

PV: Thưa PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, gần đây liên tục xảy ra các vụ ngộ độc Botulinum nghiêm trọng, mấy năm trước có vụ Pate Minh Chay, rồi ở Quảng Nam có vụ cá muối ủ chua, giờ TP.HCM có 2 chùm ca đều ngộ độc do ăn chả giò lụa bán dạo. Nhiều chuyên gia cho rằng ngành y tế nên xây dựng 1 kho thuốc hiếm dự phòng. Bà đánh giá ra sao về vấn đề này?

PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan: Bây giờ chuyện nói ra mới biết chứ chuyện vắc xin phòng dại, huyết thanh chống rắn cắn rồi giải độc Botulinum này chúng ta ăn đong từng bữa. Nhiều bệnh viện nhập về sau đó các bệnh viện chia sẻ thông tin với nhau để có trường hợp xảy ra thì bốc đến để cứu.

Nhưng rõ ràng tính chất rất bấp bênh và chúng tôi đề nghị rất nhiều lần, chúng ta cần phải có dự trù. Giống như quốc gia chúng ta dự trù gạo để phòng những lúc thiên tai, thuốc chúng ta cũng có dự trù để nếu có trường hợp bất ngờ xảy ra có thể huy động.

Đề nghị đưa danh mục các thuốc, vắc xin vào danh mục dự trữ quốc gia và tính toán theo tỉ lệ. Ít ra dự trù mua đủ xài được cho bao nhiêu người trong một khoảng thời gian 6 tháng đến 1 năm. Đối với dự trù cho thiên tai, thảm họa thế này có tốn tiền cũng phải làm, bởi có gì xảy ra kịp thời cứu được tính mạng người dân và nếu không xảy ra càng tốt.

PV: Vậy thưa bà trách nhiệm này thuộc về ai và ai phải làm việc này?  

PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan: Ngành y tế, Bộ Y tế phải đưa vào danh sách này không lẽ đợi đến lúc chết người mới loay hoay hay sao? Và đừng trông chờ mua sắm những thuốc đó như những thuốc bình thường, bởi thuốc này khi cần thì buộc phải có nó và không có gì thay thế.

Làm sao đảm bảo được không ai bị rắn cắn, không ai bị ngộ độc Botulinum, rồi chuyện này chuyện kia. Chắc chắn sẽ có! Và có khi cả đời một bệnh viện một ông bác sĩ sẽ không gặp trường hợp trên, song tính trên số đông 63 tỉnh thành thì chuyện như ngộ độc Botulinum là có thể xảy ra.

Thế thì nhiệm vụ của Bộ Y tế là phải nhìn thấy nguy cơ đó và tất cả phải có dự trù.Nếu không biết cách làm thì cứ học tập các nước lân cận chúng ta, Thái Lan, Indonesia người ta dự trừ những chuyện đó thế nào để về làm chứ đừng có chế.

PV: Thưa bà, có chăng khó khăn ở đây nằm ở kinh phí, ngân sách có phần hơi lớn. Bởi một lọ giải độc Botulinum lên đến 8000 USD/lọ hay câu chuyện liều thuốc tiêm chữa teo cơ một em bé Hà Nội gần đây trị giá lên đến 2 triệu USD/liều.

PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan: Thật ra tôi khẳng định một điều thế này, tính mạng con người là quan trọng, là vô giá. Chúng ta lúc đó không phải dùng tiền để cân đong đo đếm được. Thứ 2, nếu chúng ta có dự trù sẽ có những đàm phán, đặt hàng sẽ có giá khác.

Còn khi cần kíp, chạy ra thị trường quốc tế đi kiếm và đặt hàng riêng các bệnh viện tư nhân nước ngoài xách tay đem về theo đường hàng không đắt là đúng rồi. Tính thì tính chung về nguồn ngân sách dự trữ, nếu sợ tốn tiền nữa thì tính toán thương lượng giá cả chi phí để đưa vào bảo hiểm. 

PV: Xin cảm ơn bà.