Không lùi thời điểm áp dụng cabin điện tử trong đào tạo cấp GPLX

Bộ GTVT quyết định giữ lộ trình đào tạo học lái xe trên cabin từ 1/1/2023, không lùi thời gian theo đề xuất của Cục Đường bộ Việt Nam.

Cabin mô phỏng các tình huống lái xe trên đường - Ảnh ANTĐ

Cục Đường bộ Việt Nam ngày 03/11 cho biết, Bộ GTVT đã lựa chọn một đơn vị thử nghiệm cabin học lái xe, các trung tâm sẽ có đủ thời gian đưa thiết bị đi thử nghiệm trước 1/1/2023, do đó lộ trình đào tạo lái xe trên cabin vẫn giữ nguyên.

Quy định tại Thông tư số 04/2022/TT-BGTVT ngày 22/4/2022 của Bộ GTVT nêu rõ, từ 1/1/2023, các trung tâm đào tạo phải đầu tư thiết bị cabin tập lái để học viên học.

Cùng đó, học viên có tối thiểu bốn giờ thực hành các bài cơ bản như cách vận hành số xe, lên dốc, đường vuông góc, đường quanh co giống như bài sa hình thi sát hạch; làm quen với các bài về địa hình như đường đồi núi, cao tốc.

Trước đó, Cục Đường bộ Việt Nam đề xuất Bộ GTVT lùi thời điểm bắt buộc các cơ sở đào tạo cấp giấy phép lái xe phải lắp đặt cabin điện tử để cho học viên tập lái trên mô hình mô phỏng. Trong khi nhiều Trung tâm đào tạo lái xe cũng muốn lùi thêm thời điểm triển khai.

Cabin điện tử (hay cabin tập lái 3D) đang được giới thiệu như là một "công nghệ hiện đại", một cách thức mới để "nâng cao chất lượng đào tạo lái xe ôtô". Cụ thể: Người học sẽ tập lái mô phỏng trên nhiều loại đường, điều kiện thời tiết, tình huống giao thông khác nhau.

Trên thực tế, từ năm 2001 các cơ sở đào tạo lái xe ôtô đã phải trang bị cabin điện tử cho phòng học kỹ thuật lái xe, theo quy định của Bộ GTVT. Lúc đó, phần lớn những cabin này được nhập khẩu với giá khoảng 200 triệu đồng.

Tuy nhiên, từ năm 2007, quy định mới về đào tạo lái xe ôtô lại bỏ yêu cầu trang bị cabin điện tử. Từ đó, cabin điện tử không còn được sử dụng phổ biến trong đào tạo lái xe ôtô ở nước ta. Song đến năm 2022, một lần nữa Bộ GTVT lại quy định các trung tâm đào tạo phải đầu tư thiết bị cabin tập lái để học viên học.