Không hiểu tiếng Việt

Dạo gần đây, trên các phương tiện truyền thông hoặc thậm chí là một vài tác phẩm văn học, chúng ta thường thấy xuất hiện cách hành văn khá “kỳ lạ”, không theo chuẩn thông thường của tiếng Việt. Cách viết này được dùng khá phổ biến, đến mức được cho là chuyện bình thường và mặc nhiên coi lối viết đó là đúng.

Hiện nay có xu hướng dùng ngôn ngữ, ngữ pháp không đúng chuẩn, thói quen sử dụng của người Việt từ xưa đến nay, khiến việc hành văn trở nên khó hiểu…

Trong câu chuyện ngày hôm nay, chúng ta sẽ không đề cập đến ngôn ngữ mạng, mà hãy để sự chú ý, quan tâm vào những văn bản được coi là “chính thống”.

Dạo gần đây, trên các phương tiện truyền thông hoặc thậm chí là một vài tác phẩm văn học, chúng ta thường thấy xuất hiện cách hành văn khá “kỳ lạ”, không theo chuẩn thông thường của tiếng Việt. Và được dùng khá phổ biến, phổ biến đến mức, bây giờ người ta cho đó là chuyện bình thường và mặc nhiên coi lối nói, viết đó là đúng.

Ví dụ: Cô ấy xứng đáng với nơi cô ấy thuộc về… Chấm hết. Hết một câu. Vậy, câu hỏi đặt ra là: Cô ấy thuộc về đâu? Thuộc về ai? Rõ ràng là nếu với ngữ pháp Tiếng Việt chúng ta vẫn được học ở trường, không ai viết như thế, không ai dùng như thế, từ xưa tới… gần đây. Một câu văn, thậm chí một câu nói đầy đủ, để hiểu được, cần tối thiểu đảm bảo có chủ ngữ, vị ngữ, bên cạnh đó là những thành phần khác bổ sung ý nghĩa, bối cảnh, trạng thái… cho câu.

Ấy nhưng vài năm nay, người ta vẫn dùng như vậy, cả trong văn học, báo chí, những nơi được xem như là một chuẩn mực. Nếu đúng với tiếng Việt, có lẽ cần phải viết là: Cô ấy xứng đáng thuộc về nơi ấy...

Sách báo là những phương tiện truyền tải thông tin, đồng thời mang đến cho bạn đọc những nhận thức về ngôn ngữ chuẩn mực, tuy nhiên, hiện nay đang có tình trạng sử dụng sai, bắt chước theo ngữ pháp của hệ ngôn ngữ khác, khiến câu văn khó hiểu, không rõ nghĩa, thậm chí không đúng ngữ pháp tiếng Việt

Nếu để ý tới hiện tượng dùng ngữ pháp rất phổ biến này hiện nay, chúng ta có thể thấy được rằng, lối hành văn này, hầu hết được các thế hệ người Việt gần đây, tức có thể coi là thế hệ trẻ sử dụng. Và cách viết, nói này, hoàn toàn ảnh hưởng từ ngữ pháp, ngôn ngữ nước ngoài, như tiếng Anh chẳng hạn.

Có lẽ, lý giải duy nhất phù hợp cho việc sử dụng sai tiếng Việt là những người “tây học” này đã bị ảnh hưởng bởi ngữ pháp “ngược” với tiếng Việt.

Như đã nói, việc vay mượn từ nước ngoài là điều không tránh khỏi trong bất kỳ một ngôn ngữ nào trên thế giới. Có thể nói rằng, nó giúp làm phong phú thêm ngôn ngữ của một dân tộc, bởi có những khái niệm mới, chưa có, hoặc khó diễn tả bằng ngôn ngữ bản địa, sẽ phải “dùng tạm” từ nước ngoài. Và lâu dần thành quen, mặc định trở thành một từ được cả cộng đồng chấp nhận.

Nhưng việc vay mượn cả phần ngữ pháp, cách sử dụng câu trái với ngôn ngữ bản địa, khiến câu nói, câu viết bị “ngược”, cụt lủn, khó hiểu… thì có lẽ cần phải để ý!

Hiện nay, với áp lực thu hút bạn đọc, nhiều tác giả đã phải dùng những ngôn từ, câu cú khó hiểu, thậm chí chẳng mang ý nghĩa gì cả. Văn học hay báo chí, là những nhân tố quan trọng giúp định hướng, cũng như nuôi dưỡng tình yêu với ngôn ngữ “mẹ đẻ”.

Nếu chúng ta vẫn dễ dãi trong việc vay mượn ngôn ngữ nước ngoài như hiện nay, việc mất đi bản sắc văn hóa, mất đi ngôn ngữ của dân tộc mình là điều rất dễ xảy ra.

Bởi, như các thế hệ trước đã nhắc nhở chúng ta, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, cũng cần phải “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”. Không đơn thuần là để nói, viết dễ hiểu, mà đó là trách nhiệm trong việc cùng nhau giữ gìn nguồn gốc, giữ gìn văn hóa dân tộc, thông qua ngôn ngữ.

Đâu đó, trong những quyết định của ngành giáo dục, chúng ta vẫn thấy việc ưu tiên dạy ngoại ngữ trong nhà trường, ngay từ bậc tiểu học, và thậm chí với các bậc phụ huynh cũng đều mong muốn cho con mình biết ít nhất một ngoại ngữ nào đó, càng sớm càng tốt.

Có những đứa trẻ hiện nay, dù chưa đi học, chưa biết viết chữ, nói tiếng Việt, diễn tả ngôn ngữ mẹ đẻ rất khó khăn, nhưng lại cực kỳ lưu loát ngoại ngữ. Đó là “thành tích” đáng tự hào mà cha mẹ chúng có để mang đi khoe khoang với mọi người. Không mấy ai thấy khoe con mình giỏi tiếng Việt…!?

Liệu có ai thích thú khi nghe, đọc tiếng mẹ đẻ mà chẳng hiểu người đối diện nói gì? Văn bản ấy đang viết điều gì? Đừng để đến lúc người Việt mà lại không nói tiếng Việt, không hiểu tiếng Việt…