Khoanh vùng những người tiếp xúc với bệnh nhân thứ 7 nhiễm virus Corona để theo dõi

Hôm nay, TP.HCM có một bệnh nhân bị nhiễm virus Corona nâng tổng số ca nhiễm ở VN lên 7 người. Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết: Đã điều tra để khoanh vùng những trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân để cách l

Bất cứ ai có các triệu chứng lâm sàng của bệnh sẽ được cách ly và xét nghiệm ngay lập tức

Hiện nay tại TP.HCM đã phát hiện 1 ca dương tính với  virus Corona sau khi quá cảnh qua Vũ Hán, hiện bệnh nhân này đang được cách ly tại bệnh viện Nhiệt đới TPHCM.

Trước tình hình này, các cấp, các ngành, địa phương của TPHCM đang đẩy mạnh công tác phòng chống dịch tập trung cho việc tuyên tuyền, phổ biến đến người dân nhất là ở các khu vực đông người như bến tàu, bến xe, nhà ga. Các đơn vị y tế cũng đang tiếp tục triển khai các kỹ thuật chuyên môn, như phòng cách ly, trang thiết bị kỹ thuật để sẵn sàng điều trị cho các bệnh nhân.

Dự báo trong một vài ngày tới số lượng người trở về TPHCM sẽ đông lên sau kỳ nghỉ Tết dài ngày.  Xung quanh các vấn đề này, Kênh VOVGT đã  cuộc trao đổi với Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM. 

Nghe toàn bộ nội dung cuộc phỏng vấn tại đây:

 

PV: Thưa ông, hiện nay tại TPHCM đã có 1 trường hợp nhiễm chủng virus Corona và chúng ta đang cách ly, ông có thể cho biết cụ thể trường hợp này như thế nào?

BS Nguyễn Trí Dũng: Hiện nay hệ thống giám sát của phòng dịch TP đã triển khai trên 24 quận huyện và thực hiện đúng chỉ đạo của thủ tướng chính phủ, UBND TP về việc tăng cường công tác giám sát phát hiện trên địa bàn thành phố.

Cụ thể đối với trường hợp ca bệnh này, chúng tôi cũng đã tiến hành điều tra để khoanh vùng những trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân này để cách ly, theo dõi  những dấu chứng của hô hấp nếu có trong vòng 14 ngày để chúng ta có thể khoanh vùng được sự lây lan.

Ngoài ra còn tổ chức khử khuẩn, vệ sinh khách sạn, đặc biệt là phòng bệnh nhân sử dụng, khu vực lễ tân, những vật dụng đã sử dụng. Tiếp tục điều tra thêm những nơi người này lui tới để chúng ta tiếp tục khoanh vùng, xử lý theo dõi, giám sát.

PV: Hiện nay trên thị trường việc mua khẩu trang, các thuốc sát khuẩn khá khó khăn, ông có khuyến cáo gì với người dân trong việc tìm các biện pháp để chúng ta phòng ngừa dịch bệnh một cách hiệu quả nhất?

BS Nguyễn Trí Dũng: Đối với bệnh viêm đường hô hấp cấp do Corona chủng mới hay là những chủng virus gây ra bệnh đường hô hấp nói chung thì thường nó dễ lây khi tiếp xúc gần cho nên tiếp xúc với người bệnh, người có nguy cơ mắc bệnh thì chúng ta đeo khẩu trang là cần thiết.

Ngoài ra để hạn chế mắc bệnh thì việc tăng cường sức đề kháng của cơ thể cũng hết sức quan trọng đó là làm sao chúng ta ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, vitan, giữ cho môi trường sống thông thoáng, mở rộng các cửa sổ để thông khí tiếp xúc với ánh nắng nếu được thì hạn chế sử dụng máy lạnh vì những “đứa này” nó rất thích sống ở môi trường  mà có nhiệt độ thấp. 

Trong môi trường phòng lạnh nó sẽ tồn tại lâu hơn trong môi trường nóng độ ẩm cao, nắng nóng của mình, vì trên 25 độ thì khả năng nó  phát tán là khó khăn, tiếp theo là tăng cường vệ sinh cơ thể, thường xuyên rửa sạch tay bằng  nước xà phòng vì bàn tay rất dễ tiếp xúc với bề mặt có thể mang virus lây truyền, nhất là trẻ em.

Tiếp nữa là thường xuyên làm sạch vùng  hầu họng  bằng nước muối sinh lý, nước sát khuẩn. 

PV: Khi dịch bệnh xảy ra thì người dân sẽ trông cậy vào sự hỗ trợ của ngành y tế như thế nào, công tác chuẩn bị sẵn sàng hiện nay của ngành y tế dự phòng ra sao?

BS Nguyễn Trí Dũng: Bên cạnh việc tăng cường công tác giám sát dự phòng để giám sát phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, giám sát xử lý khống chế để không lây lan thành những ổ dịch lớn  thì hệ thống cộng đồng ở địa phương cùng vào cuộc để chúng ta làm trong đó kết hợp với truyền thông.

Về hệ thống điều trị chúng tôi cũng đã lên kế hoạch để triển khai các đội phản ứng nhanh ở bệnh viện, ở các quận huyện để kịp thời đối phó với tình huống xảy ra, các khu cách ly ở các bệnh viện được tái khởi động kích hoạt bởi vì các hệ thống phòng cách ly này trước đây cũng đã có, qua các đại dịch trước chúng tôi cũng đã sử dụng hệ thống này, hiện nay chúng ta kích hoạt hoạt động trở lại để  đảm bảo khi có những trường hợp cần cách ly thì các cơ sở y tế của chúng ta đều có thực hiện được .

Tiếp theo nữa  chuẩn bị cho tình huống xây dựng các bệnh viện dã chiến, trong trường hợp có tình huống xấu nhất, dịch lan rộng ra cộng đồng thì chúng ta có khả năng tiếp nhận xử lý, khống chế tình hình dịch.

PV: Vâng, xin cảm ơn ông.

Theo phóng viên thường trú VOV tại Trung Quốc, tính đến sáng nay (02/2) ghi nhận 14.380 ca nhiễm bệnh, 304 trường hợp tử vong và 19.544 ca nghi nhiễm. Đa phần các ca nhiễm mới và tử vong đều tập trung tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc – là nơi khởi phát và trung tâm dịch. Theo ông Dương Vân Nghiêm – Phó Tỉnh trưởng tỉnh Hồ Bắc, nguyên nhân khiến thời gian gần đây số lượng các ca bệnh tăng nhanh là do các ca nghi nhiễm chuyển sang giai đoạn phát bệnh.

Còn tại Việt Nam, sáng 02/2, Bộ Y tế đã xác nhận bệnh nhân thứ 7 dương tính với virus Corona tại Việt Nam. Bệnh nhân là T.H.K, nam, sinh năm 1947, quốc tịch Mỹ, địa chỉ tại phòng 202 khách sạn Triều Hân, 382/1-3 Nguyễn Thị Minh Khai, phường 5, quận 3, TP.HCM.  Hiện tại, bệnh nhân đang được cách ly điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, thở oxy, kháng sinh và kháng virus.

Được biết, ngày 14/01/2020 bệnh nhân bay từ Mỹ về Việt Nam trên chuyến bay ký hiệu 660 của hãng hàng không China Southern. Ngày 15/01/2020, bệnh nhân quá cảnh tại sân bay của Vũ Hán (Trung Quốc) trong vòng 2 tiếng. Ngày 16/01/2020 bệnh nhân tới sân bay Tân Sơn Nhất và di chuyển đến khách sạn.