Khó xử lý dứt điểm bến thủy nội địa trái phép, do đâu?

Hiện TP.HCM tồn tại hàng loạt bến thủy nội địa chưa được công bố, cấp phép hoạt động. Do không được quản lý, các bến thuỷ nội địa kinh doanh không phép gây nhiều hệ lụy: hàng hóa, phương tiện ra-vào bến không được kiểm soát dẫn đến gian lận thương mại; gây sạt lở... tiềm ẩn nguy cơ mất trật tự ATGT.

Mặc dù, thành phố đã nhiều lần ra quân xử lý nhưng vì sao vẫn khó “dẹp” các “bến lậu” này? PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Hòa An - Phó Giám Đốc Sở GTVT TP.HCM xoay quanh vấn đề này. 

Huyện Bình Chánh là địa phương có số lượng bến thủy nội địa chưa được công bố, cấp phép hoạt động nhiều nhất TP.HCM. Ảnh: Kinh tế môi trường

PV: Thưa ông, hiện nay, trên địa TP.HCM có bao nhiêu bến thủy nội địa chưa được công bố, cấp phép hoạt động. Số lượng này tăng hay giảm so với đầu năm, thưa ông?

Ông Bùi Hòa An: Tính đến hết quý III năm 2023 (hết tháng 9) còn tồn tại 52 bến thủy nội địa chưa được công bố, cấp phép hoạt động trên địa bàn Thành phố, giảm 06 bến so với quý I năm 2023 (58 bến). Hiện nay, Thành phố Thủ Đức: 12 bến (tăng 02 bến); Quận 7: 03 bến; Quận 8: 07 bến (giảm 01 bến), Quận 12: 0 bến (giảm 01 bến); huyện Củ Chi: 01 bến; huyện Nhà Bè: 05 bến; huyện Cần Giờ: 0 bến (giảm 02 bến); huyện Bình Chánh: 24 bến (giảm 04 bến).

PV: Mặc dù, số lượng bến thủy bến thủy nội địa trái phép giảm nhưng vẫn còn nhiều, và hiện các bến thủy này vẫn đang hoạt động rầm rộ trên địa bàn. Vì sao chúng ta khó xử lý dứt điểm, thưa ông?

Ông Bùi Hòa An: Hiện nay, định kỳ hàng quý, Sở GTVT sẽ rà soát, lập danh sách các bến thủy nội địa chưa được địa phương công bố, cấp phép hoạt động để gửi cho Công an TP, UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện xử lý theo thẩm quyền.

Tuy nhiên, theo Chỉ thị số 14/CT-UBND ngày 21 tháng 11 năm 2022, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện với vai trò là cơ quan chủ trì đến thời điểm này chưa kiểm tra xử lý triệt để; xử lý chưa nghiêm, chưa tổ chức cưỡng chế đối với các trường hợp vi phạm nhiều lần, dẫn đến tình trạng bến thủy nội địa chưa được công bố, cấp phép hoạt động tuy có giảm nhưng vẫn còn tồn tại.

Chức năng của thanh tra và công an chỉ xử phạt đối với các phương tiện ra vào bến và những phương tiện được công bố, còn những bến khác với trách nhiệm quản lý toàn diện và triệt để của địa phương, là của cấp, phường, cấp quận huyện, TP Thủ Đức thì sẽ là các cơ quan xử lý triệt để.

Một phần nữa là do các bến thủy này, các chủ bến giao cho nhân viên trông coi, quản lý. Khi có Đoàn công tác kiểm tra thì không hoạt động, không xuất trình được bản chính các giấy tờ liên quan. Chủ bến đối phó không xuất hiện, không hợp tác, gây khó khăn trong quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính theo quy định.

Một số cơ sở kinh doanh có sử dụng bến thủy nội địa đã có quyết định đình chỉ, xóa tên bến nhưng vẫn tiếp tục hoạt động. Lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm tra, xử lý nhiều lần. Tuy nhiên, các cơ sở này vẫn còn Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do các cơ quan thẩm quyền cấp và thực hiện đóng thuế theo quy định nên vẫn hoạt động kinh doanh trên bờ. Tức là một bến thủy nội địa thì có thể thành lập 1 doanh nghiệp ở ngay trên bờ và có cấp phép bến thủy nội địa ở dưới sông.

Sau khi giấy phép bến thủy nội địa hết hạn thì giấy phép kinh doanh trên bờ vẫn còn cho nên người ta vẫn tiếp tục hoạt động. Do đó, việc này cũng là 1 trong những khó khăn mà chúng tôi xử lý chưa triệt để được .

PV: Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, sắp tới, Sở GTVT TP.HCM có kế hoạch ra sao để xử lý dứt điểm tình trạng này, đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa?

Ông Bùi Hòa An: Sở tiếp tục thành lập Đoàn kiểm tra về việc chấp hành chính sách, pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực giao thông đường thủy trên địa bàn Thành phố.

Chúng tôi sẽ kiến nghị báo cáo UBND TP Thủ Đức, các quận huyện đã được giao nhiệm vụ theo Chỉ thị số 14/CT-UBND chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền, chịu trách nhiệm xử phát triệt để các bến thủy nội địa chưa được công bố, cấp phép hoạt động; các trường hợp vi phạm lấn chiếm sông, kênh, rạch trên địa bàn và phải có biện pháp tổ chức cưỡng chế đối với các trường hợp vi phạm nhiều lần, buộc phải tự tháo dỡ, thanh thải theo quy định.

PV: Xin cám ơn ông!