Khổ sở vì chung cư cũ xuống cấp mùa mưa bão

Trong khi các dự án cải tạo chung cư cũ tại Hà Nội và nhiều đô thị vẫn dậm chân tại chỗ vì còn nhiều vướng mắc về cơ chế chính sách, thì người dân tiếp tục phải sống thấp thỏm, bất an dưới mái nhà của mình, khi mùa mưa bão tới.

Nghe nội dung chi tiết tại đây: 

 

Bà Phạm Thị Khánh cùng chồng là bộ đội được cấp cho căn hộ nhỏ tại khu chung cư C8 Giảng Võ, quận Ba Đình từ thời còn làm Xí nghiệp may xuất khẩu Thăng Long. Sau mấy chục năm, khu vực cầu thang và khối nhà bên phải trong tình trạng rất nguy hiểm, có thể sập bất cứ khi nào, nhưng vì kinh tế eo hẹp, gia đình bà cố bám trụ

'Bão bùng sợ lắm mà chả biết như thế nào. Nhà nước không chịu làm lại cho dân. Hôm bão vừa rồi các cụ phải chuyển đi mà có ai chuyển đâu. Tầng 2 nát bét hết ra. Nó nứt hết các cái khe này, toác ra người ta nhét gạch vào. Ở đầu bên lô này nó trống hoác. Người dân vẫn ở thôi giờ nghèo lấy tiền đâu...' bà Khánh cho biết.

Trong hơn 100 hộ gia đình tại khu chung cư C8, mới chỉ có 10 hộ đã di dời, số còn lại vẫn sống trong phập phồng, như gia đình bà Khánh.

Năm 2013, Sở Xây dựng Hà Nội kết luận và xin ý kiến chỉ đạo của thành phố tổ chức di dời ngay toàn bộ số hộ dân ở đơn nguyên 3. Tới nay, đã 8 năm trôi qua, kế hoạch vẫn nằm trên giấy.

Khu chung cư C8 Giảng Võ, quận Ba Đình đã xuống cấp từ nhiều năm

Cũng trong tình cảnh tương tự, một loạt chung cư cũ 40 năm tuổi ở khu Giảng Võ, Quận Ba Đình đã xuống cấp nghiêm trọng.

Bà Nguyễn Thị Bình, ở tầng 5 khu nhà D3 cho hay: 5 nhân khẩu trong gia đình chen chúc trong căn nhà dột hơn 30m2 đã nhiều năm nay. Đến mùa mưa bão lại thường xuyên chứng kiến cảnh vữa lở từ trên cao rơi xuống: 'Nó dột ngấm, lau không kịp dột xuống tầng 4 vì nó theo khe chảy xuống. Cũ rồi. Gạch lở lung tung xong rơi ùm xuống sợ vào đầu ấy. Mưa to gió lớn nó lở rơi xuống. Cứ mưa là rơi ùm ùm xuống cái chợ này này'.

Nhiều hộ dân bày tỏ sự đồng tình với chủ trương di dời khỏi chung cư cũ, nhưng vì chưa được đền bù thỏa đáng, ảnh hưởng tới kế sinh nhai và đảo lộn cuộc sống, họ vẫn chấp nhận sống chung với "bão".

Ông Ngô Ngọc Lâm, Chủ tịch UBND phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội cho biết: Phường phân công cán bộ thường xuyên nắm bắt tình hình để hỗ trợ người dân khi có tình huống xấu xảy ra.

'Chúng tôi kiến nghị với các cơ quan cấp trên cần quan tâm đến việc xây dựng mới các nhà chung cư. Để đảm bảo an toàn và mang lại cuộc sống tốt hơn cho người dân thì cần phải có các giải pháp để xây dựng lại các chung cư này', ông Chu Ngọc Lâm nói.

Dù bất tiện, nguy hiểm nhưng nhiều gia đình vẫn cố bám trụ vì cho rằng chưa được đền bù thỏa đáng

Theo số liệu của Bộ Xây dựng, hiện nay, các đô thị trên cả nước có khoảng 2500 khối nhà chung cư cũ được xây dựng từ trước năm 1994. Tại Hà Nội, địa phương có nhiều chung cư cũ nhất, chủ trương cải tạo, sửa chữa được khởi động từ năm 1999.

Nhưng sau hơn 20 năm, mới chỉ có 11 trên tổng số 1579 chung cư được cải tạo (chiếm khoảng 0.69%). Ông Nguyễn Văn Chính, Phụ trách Ban Quản lý dự án, Công ty Cổ phần đầu tư Tài chính Toàn Cầu, đơn vị đã thực hiện dự án cải tạo chung cư Lý Thường Kiệt kiến nghị:  'Tôi cho rằng, các dự án cải tạo chung cư cũ ở Hà Nội muốn làm được cần dựa vào những chính sách của Chính phủ, các Quyết định của UBND thành phố, nhưng vẫn chưa đủ.

Phải căn cứ vào tình hình thực tế, Chính quyền địa phương phối hợp với chủ đầu tư phải xây dựng được một chính sách riêng để giải tỏa đền bù là các cơ quan, tổ chức và các hộ dân phải được lợi hơn so với chính sách chung'.

Việc cải tạo chung cư cũ nếu không nhanh chóng gỡ các nút thắt, người dân đã di dời vẫn phải chờ đợi ngày được trở về; còn những người ở lại sẽ tiếp tục phải sống trong thấp thỏm, bất an mỗi mùa mưa bão./.