Khi sự tử tế bị hoài nghi

"Làm việc tốt, việc tử tế để tích đức" - Cha mẹ chúng ta vẫn thường hay nói vậy. Nhưng trớ trêu thay, khi cố gắng làm việc tử tế, nhiều người vẫn luôn bị nghi ngờ và khiến người khác coi thường.

Câu chuyện ông Đoàn Ngọc Hải mua xe cứu thương chở bệnh nhân nghèo đã tiếp nhận không ít luồng ý kiến trái chiều. Ảnh: Pháp luật & Bạn đọc

Mời các bạn nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Cách đây chừng một tháng, một chiến dịch truyền thông nhằm ủng hộ các bác sĩ, nhân viên y tế chống dịch của một hãng sữa được tiến hành. Mỗi lượt chia sẻ cùng dòng hashtag định sẵn sẽ được quy đổi 10.000 đồng góp vào quỹ gửi Bộ Y tế.

Nhiều người đã tham gia và cũng có nhiều người tỏ ý hoài nghi về chiến dịch này. Họ cho rằng, chắc gì lượt chia sẻ của họ đã được tính đúng, tính đủ vào quỹ ủng hộ. Và nếu nhãn hàng muốn làm thiện nguyện, chẳng cần màu mè mà hãy gửi thẳng vào tài khoản Bộ Y tế!

Kết quả: đã có hơn 8,5 tỷ đồng quy đổi tương ứng số lượt chia sẻ. Cộng thêm 1 tỷ đồng nhãn hàng ủng hộ tiếp, tổng cộng hơn 9,5 tỷ đồng được trao cho Bộ Y tế. Nhãn hàng ghi điểm trong lòng công chúng, ngành y tế có thêm nguồn lực hỗ trợ các nhân viên y tế tuyến đầu.

Câu chuyện tương tự cũng xảy ra với ông Đoàn Ngọc Hải, nguyên Phó Chủ tịch quận Nhất, TP.HCM, người đã “cởi áo từ quan” sau khi không thể thực hiện lời hứa “giành lại vỉa hè cho người đi bộ”.

Ông bỏ tiền túi mua một chiếc xe chở ễn phí bệnh nhân/người nhà bệnh nhân sau khi ra viện. Hành trình ra Bắc vào Nam của ông vẫn đang tiếp diễn. Có những lời ngợi ca, nhưng cũng có lời ong tiếng ve, rằng ông “làm màu”.

Thực tế, các cơ quan truyền thông tự tìm đến ông, chứ ông không tổ chức họp báo ở những nơi đi qua. Và cũng rất lâu rồi mới có một người được nhân dân ưu ái gọi là “Bác” một cách trìu mến như ông.

Hai câu chuyện, hai luồng dư luận trái ngược. Ủng hộ hay dè bỉu, tùy thuộc vào quan điểm mỗi người. Nhưng có lẽ, nó cũng phần nào nói lên hiện thực: Xã hội đang bị nhìn dưới lăng kính đầy e ngại. Nó ánh xạ thông qua những thông tin tiêu cực, mang màu sắc bi quan nhiều hơn tích cực trên truyền thông, mạng xã hội. Nó thể hiện qua lượng tin giả, giật gân áp đảo thông tin chính thống.

Trong bối cảnh đó, những hành động gây quỹ bảo vệ bác sĩ, hành trình chở bệnh nhân nghèo của ông Đoàn Ngọc Hải dù rất thường tình và theo lẽ mà một xã hội trọng đạo đức đương nhiên có, lại trở nên khác thường.

Nếu được nhìn dưới lăng kính lạc quan, chiến dịch gây quỹ đã tạo cảm hứng cho nhiều nhãn hàng khác ủng hộ nhà nước trong các hoạt động vì cộng đồng. Ở góc độ vị nhân sinh, việc làm của ông Đoàn Ngọc Hải không những giúp những phận đời khốn khó, phần nào đó ông còn thay đổi góc nhìn vốn không mấy thiện cảm của công chúng về “nghề” làm quan.

Hoài nghi và bác bỏ dễ hơn rất nhiều việc đặt niềm tin. Việc tử tế có đáng bị hoài nghi? Xã hội này có đáng bị hoài nghi? Không! Dẫu cho đâu đó vẫn có sự xấu xa, lọc lừa, một khi con người đủ bao dung, yêu thương và dũng khí để tin vào lòng nhân ái, sự thiện lương.

---

Mời các bạn nghe nội dung đầy đủ của chuyên mục Nhật ký đô thị ngày 8/9 tại đây: