Khi người dân sợ làm đường qua nhà

Các dự án cầu vượt Âu Cơ – Nghi Tàm và Chùa Bộc – Phạm Ngọc Thạch với mức đầu tư hàng trăm tỉ đồng, từng được người dân kỳ vọng góp phần giải quyết ùn tắc giao thông, cải thiện bộ mặt đô thị ở những tuyến đường và nút giao trọng điểm của Hà Nội.

Nhưng với việc thi công ì ạch, cầm chừng suốt thời gian dài, sự háo hức mong chờ đang biến thành nỗi sợ của người dân, mỗi khi nghe nói có dự án sắp làm đường đi qua nhà mình.

Dãy nhà trên đường Nghi Tàm, đoạn đang thi công mở rộng đường Âu Cơ - Nghi Tàm rất đẹp, kinh doanh tốt, giá bán không dưới chục tỷ đồng/căn, nhưng người dân ở đây chẳng sướng nổi: 

“Nhà chị ở đây thì chị bắt buộc phải đi chứ người ta toàn vòng ra đường sau này họ đi, quá bụi bẩn, bán hàng giảm lắm chứ em.”

“Mà làm thế này dân ở khổ sở, bẩn thỉu, chưa nói chị kinh doanh vô cùng ế, 6 rưỡi 7 giờ đã tối um, chị toàn phải đóng cửa sớm không kinh doanh được. Mà sao mãi chả thấy thi công, thế này chết.”

'Đường sá tan nát. Hố lớn, nhỏ bẫy người đi đường. Ngày nắng thì bụi, ngày mưa thì ngập. Dọc đường, những bốt điện lung lay trên vài viên gạch kê tạm'.

“Bao nhiêu người ngã ở cái hố trước siêu thị kia rồi.”

“Đường thì bốt điện chẳng chuyển đi, xong cạnh đấy thụt sâu, mọi người đi xe trời tối đâm vào đấy toàn ngã ra.”

Dự án Nghi Tàm - Âu Cơ

Đường Âu Cơ chẳng khá hơn. Dự án với tổng mức đầu tư 815 tỷ đồng, khởi công tháng 12/2019, thay vì hoàn thành 2020, giờ 3 năm chưa xong, dù đã 4 lần điều chỉnh thời gian thi công. Đầu tháng 6 này, TP Hà Nội lại vừa chỉ đạo đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ.

Và trong khi chờ đợi những chỉ đạo được hiện thực hóa, người dân hàng ngày vẫn phải đi trên phần đường bị thu hẹp, mặt đường nham nhở, nhiều đoạn tạm cấm ô tô…

“Thấy bảo làm đường để phục vụ Seagames 31, xong lại không thấy, xong lại nói làm đường rồi thôi, nói quý 4 sẽ làm. Đi đường khổ lắm, đường trên thì sợ TNGT, họ xuống đường này họ đi thì toàn ổ gà, cứ ùn ùn ô tô xe máy, kinh lắm.”

“Lên báo được tí thì mới làm cái cột điện ngay ngắn, 3 năm nay như này, kinh khủng, chả ai muốn đi cái đường này nữa rồi.”

“Mong từng ngày từng giờ.”

Dự án Nghi Tàm - Âu Cơ

6h sáng 14/6, tại vòng xoay Âu Cơ – Nghi Tàm, mặt đường bất ngờ sụp xuống sau cơn mưa lớn, và dưới những tác động của việc thi công.

3 năm, cỏ dại mọc um tùm quanh đống vật liệu xây dựng hoen rỉ. Khi biết tin đến quý IV/2022 dự án mới làm tiếp, ông Ba, một người dân sống cạnh dự án không kiềm chế nổi: “Ai chả khó chịu, bức xúc, lên kia tắc không đi được, để đây 1 đống ú ụ hàng bao năm nay, cứ 5h chiều ở đây tắc cứng. Còn chậm tiến độ thì các ông phải tự hỏi là tại sao nó lại chậm.”

Đường Chùa Bộc – nơi từng được mệnh danh là “phố thời trang” của Hà Nội cũng chịu cảnh tương tự. Dự án cầu vượt Chùa Bộc – Phạm Ngọc Thạch theo tiến độ phải xong cuối tháng 6 này. Chỉ còn một tuần mà 1/3 đường vẫn “bên ngoài quây tôn, bên trong yên ắng”.

“Ảnh hưởng nhiều lắm ạ, nhà em không có chỗ để xe cho khách, người đi bộ cũng không có chỗ mà đi anh ạ”

“Rất tắc, từ sáng đến trưa mà không biết bên trong họ làm cái gì.”

“Ui dời nó có làm đâu, 3 4 tháng nay. Quây tôn xong có làm đâu.”

“Giam hết nó vào, chả thấy làm gì.”

“Cứ lèo lèo tháng 6, có mà tháng 6 năm 2025.”

Người dân ở ngoài sốt ruột. Trong công trường, cọc chưa chôn đủ, trụ chưa xây hết, gạch, đá, vật liệu ngổn ngang. Khi được hỏi, một công nhân xua tay:

“Chịu chịu, đang đào lên xem chỗ nào còn tránh cọc, cống rãnh đường điện… bên dưới. Tôi chỉ là làm công thôi, không biết.”

8h tối. Chị Trang, nhà mặt phố Trần Hưng Đạo, đoạn cửa ga Hà Nội, đang đóng cửa hàng. Không ai ngó ngàng mua sắm. Giờ giấc như nông thôn.

Dự án đường sắt Nhổn – Ga Hà Nội ngay trước nhà chị được đề nghị lùi tiến độ tới 2029. 7 năm tới sẽ thật khó khăn…

“Nhanh tiến độ lên, trả lại như ban đầu, chỉ mong điều nhỏ nhoi đó chứ không cần tàu điện ngầm gì nữa.”, chị Trang nói

Có lẽ chưa bao giờ, thay vì phấn khởi mong chờ, người dân lại sợ đường làm qua nhà đến vậy!