Kết nối 'door to door': Hướng phát triển cần thiết cho ngành đường sắt

Hiện nay đường sắt Việt Nam đang quản lý quỹ đất rất lớn, vị trí rất thuận tiện, tuy nhiên chúng ta chưa có cơ chế. Vì vậy, khả năng thu hút vốn đầu tư, các nguồn lực xã hội hiện nay đang rất dồi dào thì không được tốt.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Ảnh nh họa

Theo Bộ GTVT, hiện ngành đường sắt chưa có hạ tầng kết nối vào các mối hàng lớn như các cảng biển, các cảng ICD, các trung tâm kinh tế sản xuất.

Vì vậy, giai đoạn 2021-2025, Bộ GTVT đề xuất đưa vào danh mục dự án đề nghị đầu tư công trung hạn các kết nối hạ tầng theo hình thức “door to door”- (Cửa tới cửa) như Kết nối đường sắt quốc gia khu vực Hải Phòng với cảng Lạch Huyện; kết nối đường sắt từ Trảng Bom (Đồng Nai) đến cảng Cái Mép - Thị Vải.

Trao đổi với phóng viên VOV Giao thông về vấn đề này, PGS-TS Lê Quân, Giảng viên môn Vận tải và kinh tế đường sắt, Đại học GTVT chia sẻ:

PV: Thưa PGS-TS Lê Quân, việc đẩy mạnh đầu tư kết nối hạ tầng theo hình thức “door to door” sẽ tận dụng được những ưu thế nào của ngành đường sắt?

PGS-TS Lê Quân: Để khẳng định được vai trò của ngành vận tải đường sắt thì bắt buộc anh phải có kết nối. Khi chúng ta kết nối thì một là giảm các điểm đầu cuối, giảm được thời gian đưa hàng.

Thứ hai, chúng ta sẽ giảm bớt được chi phí bảo quản tạm thời hàng hóa trên các phương tiện vận tải khác để chờ để chuyển tải lên đường sắt.

Thứ ba, năng lực vận tải đường sắt là vận tải khối lớn, năng lực rất lớn mà chúng ta lại phải tiến hành thông qua một hình thức gom rút hàng.

Ví dụ, vận tải hàng hải là khối lớn, các cảng biển cũng là khối lớn hàng chục ngàn tấn. Một đoàn tàu 20 toa thì được 20 container nhưng nếu chúng ta phải dùng xe ô tô thì cần 20 chiếc. Rõ ràng là không hiệu quả.

PV: Những năm tới ngành GTVT cần lưu ý gì để tận dụng tối đa hiệu quả của việc đầu tư hạ tầng đường sắt?

PGS-TS Lê Quân: Những năm tới, để tăng cường hiệu quả thì thứ nhất, chúng ta phải có cơ chế để tiến hành xã hội hóa kết cấu hạ tầng đường sắt. Bởi vì đất đai là một trong những nguồn lực đầu vào quan trọng của quá trình sản xuất.

Hiện nay đường sắt Việt Nam đang quản lý quỹ đất rất lớn, vị trí rất thuận tiện, tuy nhiên chúng ta chưa có cơ chế. Vì vậy, khả năng thu hút vốn đầu tư, các nguồn lực xã hội hiện nay đang rất dồi dào thì không được tốt.

Chúng ta phải làm rạch ròi về mục đích giữa dịch vụ công tác vận tải và để kinh doanh.

Thứ hai, chúng ta phải có được những quy định rõ ràng về thời gian, đối tượng cũng như giá thuê để thu hút nguồn lực bên ngoài. Bởi vì đầu tư vào đấy là đầu tư đòi hỏi dài hạn, thời gian hoàn vốn chậm.

Hiện nay chi phí đầu tư công của chúng ta hạn chế, cho nên không có cách nào khác để thực hiện những chủ trương mà ngành giao thông vận tải đã đưa ra là phải thu hút nguồn lực nước ngoài.

Phải chỉ rõ lợi ích cho những đối tượng tham gia nắm được để đầu tư.

PV: Xin cảm ơn PGS!

---

Mời các bạn nghe nội dung đầy đủ của chuyên mục Nhật ký đô thị tại đây: