Kết nối chuỗi giá trị, phát triển nông nghiệp sinh thái, bền vững

Sáng 14/9, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức khai mạc Hội chợ Triển lãm Nông nghiệp Quốc tế lần thứ 23 (AgroViet 2023).

Với chủ đề “Kết nối chuỗi giá trị, phát triển nông nghiệp sinh thái, bền vững”, AgroViet 2023 được tổ chức nhằm thúc đẩy, mở rộng quan hệ hợp tác giao lưu kinh tế quốc tế, quảng bá thương hiệu, sản phẩm, giao dịch thương mại, tôn vinh những sản phẩm nông, lâm, thủy sản, sản phẩm OCOP, nông đặc sản chất lượng cao của các địa phương trong cả nước.

Đồng thời là cơ hội để các doanh nghiệp, hợp tác xã củng cố và khai thác thị trường nội địa và xuất khẩu.

Lễ Cắt băng khai mạc Hội chợ triển lãm Nông nghiệp Quốc tế lần thứ 23 - AgroViet 2023.

Ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Năm 2023, ngành nông nghiệp Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức: hiện tượng El nino gây ra hạn hán, biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới năng suất và sản lượng cây trồng; kinh tế toàn cầu năm 2023 dự báo tăng trưởng chậm lại; lạm phát cao tại một số nước trên thế giới...

Các yếu tố bất lợi trên làm ảnh hưởng không nhỏ đến giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản của nước ta, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam 8 tháng đầu năm 2023 ước đạt 33,21 tỷ USD, giảm 9,5% so với cùng kỳ năm trước.

“Trên cơ sở những tín hiệu của ngành nông nghiệp, nhằm tiếp tục hiện thực hóa những mục tiêu lớn đặt ra về tăng trưởng, phát triển bền vững, hội nhập quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định quyết liệt tháo gỡ vướng mắc, mở cửa thị trường cho nông sản Việt thông qua nhiều giải pháp, trong đó nhóm các giải pháp tăng cường mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản trong nước thông qua các hoạt động kết nối cung cầu và kết nối tiêu thụ, trong đó, AgroViet 2023 là sự kiện nằm trong nhóm giải pháp đó”, ông Tiến nhấn mạnh.

Các đại biểu tham quan gian hàng tại Hội chợ triển lãm AgroViet 2023.

Theo Ban Tổ chức, AgroViet 2023 có hơn 200 gian hàng và hơn 1.000 m2 sàn trưng bày sản phẩm của trên 100 đơn vị trong và ngoài nước (gồm 45 địa phương và các doanh nghiệp đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Australia, Nga).

Hội chợ trưng bày, giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP, sản phẩm chế biến có giá trị cao và là đặc sản tiêu biểu của các địa phương, điển hình như: Gạo ST25, trà Thái Nguyên, trà hoa vàng Tam Đảo, yến sào Nha Trang, cà phê, mắc ca Lâm Đồng, nước mắm Ba Làng, hương trầm và nấm lim xanh Quảng Nam, hải sản Quảng Ninh, cua Cà Mau, cùng nhiều loại rau củ quả chế biến và trái cây tươi của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long…

Bên cạnh đó là các sản phẩm nông sản, thực phẩm xuất xứ từ Trung Quốc, Australia, Nga như bào ngư, dầu ôliu, mật ong Manuka, mật ong hoa bản địa Australia; các loại hoa tươi, rau củ và trái cây của Trung Quốc; thực phẩm và quà lưu niệm từ Liên bang Nga (phô mai, bơ, dầu hướng dương, lật đật, búp bê gỗ;...

Các nông sản trưng bày tại hội chợ

Trong khuôn khổ Hội chợ triển lãm, Ban tổ chức phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức các chương trình hội nghị, hội thảo, giao thương với nội dung hấp dẫn, bám sát mục tiêu và chủ đề Hội chợ kết nối giữa các doanh nghiệp trong nước và quốc tế, khu trưng bày các sản phẩm của doanh nghiệp startup về nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp theo hướng hữu cơ, nông nghiệp bền vững.