Kểm soát khí thải xe mô tô, xe máy: Đừng trao thêm gánh nặng cho người thu nhập thấp

Không ít chuyên gia và người dân cho rằng cần cẩn trọng và đừng để người thu nhập thấp phải thêm gánh nặng, cũng như đảm bảo tính hiệu quả của đề án. 

 

Vừa qua, Sở GTVT TP.HCM đã đề xuất chi 553 tỷ đồng để thực hiện đề án "Thí điểm kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy đang lưu hành trên địa bàn thành phố". Điểm đáng chú ý trong đề án này là toàn bộ xe máy đã sử dụng từ 5 năm trở lên sẽ phải đóng phí 50.000 đồng/xe/. 

Không ít chuyên gia và người dân cho rằng cần cẩn trọng khi triển khai nội dung này và đừng để người thu nhập thấp phải thêm gánh nặng, cũng như đảm bảo tính hiệu quả của đề án. 

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Hàng ngày, anh Trần Văn Minh (ngụ quận Thủ Đức, TPHCM) dùng chiếc xe Dream đã hơn 10 năm tuổi di chuyển từ nhà đến chợ đầu mối nông sản Thủ Đức để mua nông sản bán dạo kiếm sống.

Khi dịch bệnh bùng phát, thu nhập từ việc mua bán của anh Minh bị giám mạnh, khiến cuộc sống gia đình 4 thành viên đã khó lại càng thêm khó.

Nay khi biết chiếc xe máy của mình nằm trong diện phải đóng phí, anh Minh tỏ ra ngao ngán:“Tôi sợ phí sẽ chồng phí, bảo vệ môi trường đã thu trong xăng rồi, tại sao lại phải thu thêm?”

Cùng chung quan điểm, anh Phạm Hồng Phúc (ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) chia sẻ: “Tôi cho rằng giá xăng dầu đã bao gồm cả thuế, phí, trong đó có thuế phí bảo vệ môi trường. Tôi không biết quy định mới này có phù hợp hay không hay nó tạo phí chồng phí khiến người dân đang trong tình hình khó khăn hiện nay lại phải thêm khó khăn”.

Theo Phó Giáo sư – Tiến sỹ Nguyễn Lê Ninh, uỷ viên Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, vấn đề kiểm soát khí thải không mới nhưng các giải pháp đưa ra trước giờ chỉ mới giải quyết một phần nổi của vấn đề và cuối cùng người dân phải gánh chịu.

Ông Ninh cho rằng bên cạnh việc hạn chế ô nhiễm môi trường thì các cơ quan quản lý cũng cần làm giảm áp lực kinh tế lên đời sống người dân, nhất là người lao động cá thể, kiếm sống hằng ngày bằng phương tiện cá nhân: “Chỉ có người đi kiếm sống hàng ngày người ta buộc phải sử dụng phương tiện cá nhân thì cuối cùng hết loại phí này đến phí khác chồng chất lên. Đã có thu phí trong xăng dầu, đã có thuế đường bộ, giờ để thêm cái này thì cuối cùng người lao động là khổ".

Dù không quá bận tâm về mức phí 50.000đ/xe/năm, nhưng anh Nguyễn Đức Thế (ngụ quận 3, TP.HCM) lại có băn khoăn khác về đề án này: “Tôi thấy mức phí 50.000 một năm cũng bình thường, chỉ sợ với lượng phương tiện nhiều như thế này không biết thu phí có cải thiện được môi trường hay không".

Chia sẻ tại Hội nghị phản biện xã hội đối với đề án Thí điểm kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy đang lưu hành trên địa bàn TP.HCM diễn ra hồi nửa đầu tháng 12 vừa qua, Luật sư Trương Thị Hòa – Đoàn Luật sư TPHCM cho rằng, còn nhiều vấn đề quan trọng cần được làm rõ để đảm bảo sự tin cậy lẫn sự đồng thuận từ phía người dân:

Đề án này đòi hỏi sự đầu tư về tài chính, thời gian rất nhiều nhưng tôi chưa thấy nêu được mục tiêu và lợi ích cũng như tác động như thế nào khi thực hiện đề án đối với môi trường, đem lại lợi ích cho người dân. Nếu không được làm rõ thì sẽ gây khó khăn cho việc tạo sự đồng thuận.

Việc kiểm soát khí thải nói riêng và hạn chế ô nhiễm môi trường nói chung là cần thiết trong bối cảnh phương tiện cá nhân bùng nổ như hiện nay.

Tuy nhiên, cần phải làm rõ rằng có phải xe máy là tác nhân chính gây ra ô nhiễm môi trường hay không và những phí tổn về chi phí, thời gian cho việc kiểm định, kiểm tra này ra sao?

Quan trọng nhất là sự quan tâm, chia sẻ gánh nặng đối với những người trực tiếp chịu tác động từ chính sách này.

---

Mời các bạn nghe nội dung đầy đủ của chuyên mục Nhật ký đô thị tại đây: