Hơn 340 tỉ đồng nghiên cứu tuyến đường sắt đô thị ga Hà Nội - Hoàng Mai

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt chủ trương đầu tư dự án hỗ trợ kỹ thuật chuẩn bị đầu tư tuyến đường sắt số 3, đoạn ga Hà Nội đến Hoàng Mai, với tổng mức đầu tư 343 tỉ đồng, sử dụng vốn ODA không hoàn lại của ADB và EU.

Dự án đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội. Ảnh: ANTĐ

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh vừa ký ban hành Quyết định về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Hỗ trợ kỹ thuật “Chuẩn bị dự án đầu tư Tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn ga Hà Nội đến Hoàng Mai và Hỗ trợ nghiên cứu xây dựng hệ thống giao thông đô thị tích hợp cho dự án đường sắt đô thị”.

Theo đó, dự án sử dụng vốn ODA không hoàn lại của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Liên nh châu Âu (EU).

Cơ quan chủ quản của dự án là UBND TP.Hà Nội. Chủ dự án là Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội.

Nhà tài trợ dự án là Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Liên nh châu Âu (EU) (theo đề nghị của Cơ quan phát triển Pháp - AFD, Ngân hàng Tái thiết Đức - KfW).

Dự án có tổng mức đầu tư 343 tỉ đồng, tương đương 14,8 triệu USD. Trong đó, nguồn vốn viện trợ không hoàn lại là 12,6 triệu USD (ADB tài trợ 833.800 usd, EU tài trợ 10 triệu Euro tương đương 11,8 triệu USD). Vốn đối ứng trong nước là 49 tỉ đồng, tương đương 2,1 triệu USD.

Mục tiêu của dự án là tiếp tục hỗ trợ Hà Nội hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi tuyến đường sắt số 3, đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai (tuyến 3.2) cho đến khi Quốc hội phê duyệt chủ trương. Đồng thời, hỗ trợ Hà Nội xây dựng hệ thống giao thông đô thị tích hợp cho dự án đường sắt đô thị. Thời gian thực hiện dự án từ 2022 - 2024.

Về phương thức thực hiện, quyết định nêu rõ, đối với nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của ADB: Nhà tài trợ sẽ trực tiếp quản lý, thực hiện, tổ chức lựa chọn tư vấn (chuyên gia) và ký hợp đồng dịch vụ Tư vấn theo quy định của Nhà tài trợ.

Đối với nguồn vốn do EU viện trợ không hoàn lại, phía Việt Nam quản lý, thực hiện, phương thức giải ngân sẽ được xác định trong thoả thuận viện trợ trên cơ sở sự đồng nhất của phía Việt Nam và AFD.

Trước đó, UBND TP Hà Nội trình Thủ tướng thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội, đoạn từ ga Hà Nội - Hoàng Mai. 

Theo đề xuất, tuyến này cơ bản là đoạn kéo dài của tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội, sử dụng chung hệ thống cơ điện, thông tin tín hiệu, khai thác hoạt động và vận hành, bảo dưỡng.

Tùy theo giai đoạn khai thác mà tải trọng đoàn tàu giờ cao điểm đảm nhận là khác nhau, dự kiến đến năm 2030, tuyến metro số 3 đoạn ga Hà Nội – Hoàng Mai sẽ phục vụ khoảng 124.000 hành khách/ngày; sau năm 2040 phục vụ khoảng 295.000 hành khách/ngày.

Hướng tuyến metro đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai có chiều dài 8,786km hầu hết đi ngầm (đi ngầm 8,13km, còn lại là hầm hở dẫn và đi trên mặt đất) theo hành lang phố Trần Hưng Đạo - Trần Thánh Tông - Kim Ngưu - Tam Trinh với 7 ga ngầm và 1 khu lập tàu rộng 9,8 ha (hiện là vùng ao trũng ở phía sau, sát Trạm bơm Yên Sở, dùng Depot chung của tuyến Nhổn - ga Hà Nội).

Dự kiến, thời gian thực hiện dự án là từ năm 2023 đến năm 2028, tổng mức đầu tư 1,75 tỉ USD, tương đương 40.577 tỉ đồng.